Bệnh rôm sảy (Miliaria)

>> Rôm sảy (Miliaria) là bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc trưng bởi các mụn nước trong, nông. Không như quan niệm phổ biến rằng rôm sảy rất ngứa, có một số thể lại không có triệu chứng cơ năng, trẻ không ngứa và ăn ngủ bình thường. Vị trí thường gặp ở đầu, cổ, thân trên của trẻ nhỏ và thân mình của người lớn.

Đại cương về bệnh rôm sảy

Rôm sảy là bệnh lý của tuyến eccrine do sự tắc nghẽn của ống tuyến mồ hôi gây ra sự rò rỉ của mồ hôi vào thượng bì hoặc trung bì. Ngoài ra, bệnh còn có các tên gọi khác như: “sweat rash”, “brickly heat”, “heat rash”. Bệnh hay gặp trong điều kiện khí hậu nóng ẩm.

Có 3 thể miliaria khác nhau về biểu hiện lâm sàng và đặc điểm mô bệnh học là: miliaria crystalline, miliaria rubra và miliaria profunda. Phân loại này dựa trên vị trí tắc của ống tuyến mồ hôi.

Dịch tễ học bệnh rôm sảy

– Rôm sảy xuất hiện phổ biến nhất ở tình trạng tăng tiết mồ hôi. Bệnh xuất hiện ở người lớn, trẻ em và ở tất cả các chủng tộc. Rôm sảy xuất hiện ở 2 giới với tỉ lệ tương đương nhau, một vài nghiên cứu chỉ ra rằng miliaria phổ biến hơn ở nam giới do đối tượng này có nghề nghiệp và nhiều hoạt động ngoài trời hon.

– Độ tuổi xuất hiện bệnh rôm sảy khác nhau tùy thể miliaria:

+ Miliaria crystalline rất phổ biến ở trẻ sơ sinh chiếm khoảng 4,5-9%. Hay gặp ở trẻ 1 tuần tuổi, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn.

+ Miliaria rubra: là thể hay gặp nhất với tỉ lệ 4% ở trẻ sơ sinh và 30% ở tất cả mọi lứa tuổi.

+ Miliaria profunda: ít gặp và chủ yếu gặp ở đàn ông di chuyển từ vùng khí hậu ôn đới sang vùng nhiệt đới.

Sinh bệnh học của bệnh rôm sảy

Cơ chế bệnh sinh

Các yếu tố kích thích gây tăng bài tiết mồ hôi như vận động nặng, khí hậu nóng ẩm, các thuốc cholinergic dẫn đến tình trạng tăng tiết mồ hôi quá mức trên bề mặt da. Bên cạnh đó, các nguyên nhân làm giảm sự bài xuất của mồ hôi qua da như mặc áo quần quá chật, bôi các thuốc băng bịt lên bề mặt da. Sự kết hợp của các yếu tố này làm mồ hôi bài tiết ra nhiều nhưng không thoát ra được trên bề mặt da mà rò rỉ vào trong da. Hiện tượng này đặc biệt hay gặp ở những em bé sơ sinh có cấu trúc tuyến mồ hôi còn non yếu, Đồng thời các vi khuẩn cũng đóng vai trò trong biểu hiện của bệnh miliaria.

Yếu tố nguy cơ

– Các nguyên nhân làm tăng tiết mồ hôi:

+ Khí hậu nóng ẩm, đặc biệt là những người chuyển từ môi trường ôn đới sang môi trường nhiệt đới.

+ Vận động thể lực quá mức.

+ Sốt.

+ Thuốc tăng bài tiết mồ hôi: bethanechol, doxorubicin…

– Các bệnh lý da mà có tổn thương thượng bì: hội chứng bong vảy da do tụ cầu.

– Tia tử ngoại và các tia ion hóa.

Các nguyên nhân làm tăng nồng độ muối trong mồ hôi.

– Ngâm nước quá lâu: hay gặp ở chi dưới.

– Các nguyên nhân làm giảm bài xuất của mồ hôi qua da: mặc quá nhiều áo quần, bôi các thuốc mỡ, băng gạc trên da.

– Một số bệnh lý liên quan: Morvan syndrome, typ I pseudohypoaldosteronism.

Triệu chứng lâm sàng của rôm sảy

Tùy vào vị trí rò rỉ của mồ hôi trong da mà gây ra các hình thái lâm sàng khác nhau. Trong đó chia rôm sảy ra 3 thể lâm sàng chính.

Miliaria crystalline

Đây là thể nông nhất của rôm sảy, do sự tắc nghẽn và rò rỉ của mồ hôi ngay trong lớp sừng. Thường gặp ở trẻ sơ sinh < 2 tuần tuổi.

Tổn thương cơ bản là các mụn nước trong, rất nông, trên nền da bình thường, kích thước 1-2 mm, đơn độc hoặc tập trung thành đám, dễ vỡ. Vị trí thường gặp ở đầu, cổ, thân trên của trẻ nhỏ và thân mình của người lớn. Bệnh thường không có triệu chứng cơ năng. Tổn thương mọc thành từng đợt, tự thoái lui trong vài giờ đến vài ngày sau đó khô bong vảy cám mỏng.

Triệu chứng lâm sàng của rôm sảy thể Miliaria crystalline
Triệu chứng lâm sàng của rôm sảy thể Miliaria crystalline

Miliaria Rubra

Là thể sâu hơn của rôm sảy. Bệnh gây ra do sự tắc nghẽn và rò rỉ của mồ hôi vào vùng thượng bì ở dưới lớp sừng. Hay gặp ở trẻ sơ sinh và người lớn. Tổn thương cơ bản là các sẩn đỏ hoặc sẩn mụn nước nhỏ kích thước 1-2 mm, đồng dạng, trên nền da đỏ, rải rác kèm theo giảm hoặc không có mồ hôi tại vùng da tổn thương.

Tổn thương rôm sảy (Miliaria Rubra)
Tổn thương rôm sảy (Miliaria Rubra)

Vị trí thường gặp ở trẻ em là các vùng nếp gấp như cổ, nách, háng. Còn ở người lớn hay gặp ở vùng chà xát với áo quần đặc biệt vùng lưng trên, nách, bẹn. Vùng mặt, lòng bàn tay, bàn chân hiếm gặp. Triệu chứng cơ năng thường gặp là ngứa và nhức nhối, đặc biệt tăng lên khi tăng tiết mồ hôi.

Miliaria Profunda

Được gây ra bởi sự tắc nghẽn và rò rỉ của mồ hôi tại vùng liên kết giữa thượng bì và trung bì. Bệnh hay gặp ở người lớn sau nhiều đợt tái đi tái lại của miliaria rubra. Tổn thương cơ bản các sẩn màu đỏ, không nằm ở vị trí nang lông, kích thước 1-4 mm, nằm sâu, chắc. Tổn thương thường gặp ở thân mình tuy nhiên cũng có thế gặp ở tay chân. Tổn thương thường không có triệu chứng nhưng có thể gặp giảm hoặc không có mồ hôi ở vùng tổn thương và các vùng da lành thì biểu hiện tăng tiết mồ hôi. Tổn thương mất nhanh trong vòng vài giờ sau khi loại bỏ yếu tố kích thích.

Tổn thương của rôm sảy (Miliaria Profunda)
Tổn thương của rôm sảy (Miliaria Profunda)

Trong những trường hợp nặng, có thể dẫn đến rối loạn điều hòa thân nhiệt kèm theo mệt mỏi, kích thích khó chịu, nhịp tim nhanh.

Xét nghiệm

– Trong trường hợp miliaria crystalline: Xét nghiệm tế bào Tzanck không có tế bào gai lệch hình, không có tế bào khổng lồ đa nhân.

– Nuôi cấy vi khuẩn: có thể có cầu khuẩn Gram (+).

– Mô bệnh học:

+ Miliaria crystallina: bọng nước ở lớp sừng hoặc ngay dưới lớp sừng, liên tục với ống tuyến mồ hôi. Không có tế bào viêm. Có thể thấy vị trí tắc của tuyến mồ hôi ngay trong lớp sừng.

+ Miliaria rubra: mụn mủ xốp bào ở lớp malpighi liên tiếp với ống tuyến mồ hôi. Có thâm nhập các tế bào viêm.

+ Miliaria profunda:

Giai đoạn sớm: xâm nhập tế bào lympho quanh ống tuyến mồ hôi ở nhú trung bì và phần thấp của thượng bì.

Giai đoạn muộn: các tế bào viêm xâm nhập xuống sâu hơn của trung bì và vào trong lòng ống tuyến mồ hôi. Xốp bào của phần thượng bì bao quanh. Dày sừng và á sừng của đầu tận cùng của ống tuyến.

Chẩn đoán bệnh rôm sảy

Chẩn đoán xác định rôm sảy

Chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng, trong trường hợp không điểm hình kết hợp với mô bệnh học để chẩn đoán xác định.

Chẩn đoán phân biệt

Bệnh cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh có tổn thương da có nhiều mụn nước, sẩn nhỏ hoặc mụn mủ. Bao gồm:

– Phát ban do virus: ban đỏ lấm tấm, rải rác toàn thân kèm theo có sốt, đau họng, mệt mỏi.

-Viêm kẽ do Candida: thường gặp ở vùng kẽ, tổn thương là các mụn nước, mụn mủ trên nền dát đỏ, tổn thương tập trung thành đám và có các tổn thương vệ tinh xung quanh. Xét nghiệm có bào tử nấm.

-Viêm nang lông: tổn thương là các sẩn đỏ, mụn mủ ở vị trí nang lông trên nền da đỏ. Hay gặp ở vùng lông dài như đầu, mép, nách.

Trứng cá:

Tổn thương là các nhân trứng cá màu trắng hoặc màu đen kèm theo sẩn, mụn mủ, nang ở vị trí nang lông. Các tổn thương hay gặp ở mặt, ngực, lưng.

– Mụn sữa: Thường gặp vài ngày đầu sau sinh. Tổn thương cơ bản là các dát đỏ, sẩn, mụn mủ rải rác toàn thân. Không có triệu chứng, tổn thương có thể tự khỏi. Ít gặp ở trẻ sinh non. Không rõ căn nguyên.

Phát ban mụn mủ cấp tính do thuốc: là một thể của dị ứng thuốc. Tổn thương cơ bản là các sẩn đỏ, mụn mủ trên nền dát đỏ rải rác toàn thân kèm theo bệnh nhân có sốt cao. Xét nghiệm có tăng bạch cầu đa nhân trung tính.

 – Thủy đậu: do virus gây ra, thường có tiền triệu: đau mỏi người, sốt, mệt mỏi. Tổn thương cơ bản là các mụn nước, bọng nước trên nền dát đỏ, mọc từ đầu xuống chân. Thoái lui không để lại sẹo. Xét nghiệm có tế bào gai lệch hình và tế bào đa nhân khổng lồ.

Herpes simplex: tổn thương là các mụn nước trên nền dát đỏ tập trung thành đám. Các mụn nước có xu hướng lõm giữa. Hay gặp ở vùng quanh miệng và sinh dục. Trong đó quanh miệng do HSV1 gây ra còn vùng sinh dục do HSV2 gây ra.

Tiến triển và biến chứng của bệnh rôm sảy

Tiến triển

Miliaria crystalline: tự thoái lui, không có triệu chứng.

Miliaria rubra: có thể tự thoái lui sau khi loại bỏ các yếu tố nguyên nhân và yếu tố thuận lợi tuy nhiên có thể tái phát. Nếu có nhiều đợt tái phát có thể dẫn đến miliaria profunda hoặc mất bài tiết mồ hôi.

Miliaria profunda: có thể thoái lui nếu không điều trị tuy nhiên có thể ảnh hưởng lâu dài đến tuyến mồ hôi gây ra mất sự bài tiết mồ hôi trên vùng rộng lớn, tăng tiết mồ hôi ở một số vùng và các biểu hiện liên quan tăng thân nhiệt.

Biến chứng

– Bội nhiễm vi khuẩn: biểu hiện trên nền tổn thương của rôm sảy xuất hiện thêm các mụn mủ còn được gọi là miliaria pustulosa.

– Rối loạn điều hòa thân nhiệt.

– Rối loạn bài tiết mồ hôi.

Điều trị bệnh rôm sảy

Việc điều trị miliaria trước hết phải xác định và loại bỏ các yếu tố nguy cơ, đây là vấn đề quan trọng nhất, trong một số trường hợp cần sử dụng đến thuốc.

Loại bỏ các yếu tố nguy cơ

– Chuyển bệnh nhân đến vùng khí hậu mát mẻ hơn.

– Mặc áo quần thoáng mát, các loại áo quần thấm hút mồ hôi tốt, không gây băng bịt trên da. Tốt nhất là mặc áo quần cotton.

– Loại bỏ các nguyên nhân gây băng bịt trên da như thuốc bôi, băng gạc nếu có thể.

– Tắm hằng ngày bằng sữa tắm không gây kích ứng để loại bỏ các chất bẩn trên bề mặt da.

– Điều trị hạ thân nhiệt nếu có sốt.

– Giảm liều hoặc loại bỏ các thuốc ảnh hưởng đến tăng bài tiết mồ hôi nếu có thể.

– Điều trị các bệnh lý liên quan.

Điều trị rôm sảy bằng thuốc

Áp dụng đối với trong các trường hợp: giảm triệu chứng trong miliaria rubra hoặc thúc đẩy quá trình tự thoái lui trong miliaria rubra và miliaria proiuna.

Mỡ corticoid: loại nhẹ như hydrocortison 2,5%, triamcinolon 0,1% để giảm triệu chứng ngứa và giảm viêm. Bôi ngày 1 -2 lần trong 1 -2 tuần.

Mỡ kháng sinh: mục đích giảm viêm. Ngoài ra vi khuẩn cũng đóng vai trò trong cơ chế bệnh sinh của bệnh, do đó có thể sử dụng để điều trị miliaria đặc biệt miliaria bội nhiễm. Lựa chọn các loại kháng sinh tác dụng tốt lên nhóm liên cầu và tụ cầu như clindamycin, erythromycin.

– Kem dưỡng ẩm: được dùng để bôi lên vùng da khô do giảm tiết mồ hôi, hay dùng mỡ cừu.

Thuốc hạ sốt nếu có sốt.

Kháng sinh đường uống: có thể sử dụng trong trường hợp có bội nhiễm.

– Trong trường hợp miliaria tái phát nhiều lần và ảnh hưởng nhiều đến triệu chứng toàn thân có thể sử dụng isotretinoin trong vài tháng.

Tài liệu tham khảo

Lowel A, Stephen I, Barbara A, et al (2012). Fitzpatrick’s Dermatology in General Medicine. Eighth edition, vol 1, 946.

Jami L, Mark V, Abena 0, et al. (2015). Miliaria, yvyvyv.uptodate.com.

Hidano A, Purwoko R, Jitsukawa K, et al. (1986). Statistical survey of skin changes in Japanese neonates. Pediatr Dermatol. 3:140.

Akcakus M, Koklu E, Poyrazoglu H, et al (2006). Newborn with pseudohypoaldosteronism and miliaria rubra. Int J Dermatol, 45(12):1432-1434.

Godkar D, Razaq M, Fermandez G, et al (2005). Rare skin disorder complicating doxorubicin therapy: miliaria crystalline. Am J Ther, 12: 275

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *