Xét nghiệm chẩn đoán các bệnh lây truyền qua đường tình dục

XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN CÁC BỆNH LÂY TRUYỀN QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC (Laboratory diagnosis of sexually transmitted diseases) hiện nay đã được phổ biến hơn và đóng một vai trò quan trọng trong chẩn đoán phát hiện các bệnh lậu, giang mai, nhiễm chlamydia trachomatis…

Đại cương

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (BLTQĐTD) là một bệnh nhiễm trùng thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng, nhất là các nước đang phát triển. Bệnh không những làm ảnh hưởng tới sức khoẻ và chất lượng cuộc sống mà còn để lại các di chứng như: viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, viêm cổ tử cung, viêm tiêu khung, chửa ngoài tử cung, vô sinh,… Viêm nhiễm đường sinh dục có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở lứa tuổi sinh đẻ.

Theo thông báo của WHO, hàng năm trên thế giới có khoảng 500 triệu người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục lại do nhiều căn nguyên khác nhau: do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục có mối liên quan chặt chẽ và thường đồng hành với nhiễm HIV/AIDS. Các tổn thương ở đường sinh dục do các bệnh lây truyền qua đường tình dục là cửa ngõ thuận lợi cho nhiễm HIV. Ngược lại, tình trạng suy giảm miễn dịch do HIV/AIDS sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người bệnh mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Xét nghiệm để chẩn đoán các tác nhân mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục đóng một vai trò quan trọng trong chẩn đoán phát hiện bệnh.

Chẩn đoán phòng xét nghiệm

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn

Vi khuẩn lậu

– Vị trí lấy bệnh phẩm:

+ Nữ giới: dịch lấy từ cổ tử cung, niệu đạo, hai bên tuyến Skène, hai bên tuyến Bartholin.

+ Nam giới: lấy bệnh phẩm ở niệu đạo. Khi nghi ngờ có thể lấy bệnh phẩm ở hậu môn, họng, mắt.

– Các kỹ thuật phát hiện vi khuẩn lậu:

+ Nhuộm soi trực tiếp: trên tiêu bản nhuộm Gram thấy song cầu khuẩn Gram (-) hình hạt cà phê nằm trong và ngoài bạch cầu đa nhân trung tính.

+ Nuôi cấy: sử dụng môi trường Thayer-Martin có chất tăng sinh và chất ức chế. Nhiệt độ 35-36°C, CO2: 3-10 %, độ ẩm > 70%. Sau 18-24 giờ, quan sát sự nhân lên của vi khuẩn lậu. Nếu chưa thấy vi khuẩn mọc để thêm 24 giờ nữa. Khuẩn lạc vi khuẩn lậu: dạng S, lấp lánh như giọt sương và có màu hơi xám.

Khuẩn lạc của lậu cầu được nuôi cấy trong môi trường Thayer-Martin
Khuẩn lạc của lậu cầu được nuôi cấy trong môi trường Thayer-Martin

Nhuộm Gram thấy song cầu hình hạt cà phê bắt màu Gram (-) đa dạng. Thử tính chất sinh vật hóa học: test oxidase (+), test phân hủy đường Glucose (+).

Đủ những tiêu chuẩn trên, ta kết luận Neisseria gonorrhoeae. Kỹ thuật kháng sinh đồ theo WHO, năm 2013.

+ ELISA: sử dụng bệnh phẩm là máu, dịch hoặc mủ: có giá trị chẩn đoán bệnh lậu ngoài đường sinh dục.

+ PCR: sử dụng bệnh phẩm là dịch hoặc mủ, là kỹ thuật có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao.

Chlamydia trachomatis

Vị trí lấy bệnh phẩm: do vi khuẩn ký sinh nội bào nên bệnh phẩm phải lấy được tế bào ở cổ tử cung, niệu đạo. Khi nghi ngờ thì lấy bệnh phẩm ở hậu môn, họng, mắt.

Các kỹ thuật phát hiện vi khuẩn:

+ Test nhanh (miễn dịch sắc ký): Nữ: lấy bệnh phẩm ở cổ tử cung; Nam: lấy bệnh phẩm ở niệu đạo.

+ Nuôi cấy: nuôi cấy trên tế bào sống, kỹ thuật phức tạp.

+ Kỹ thuật ELISA Ag: sử dụng bệnh phẩm là dịch phát hiện kháng nguyên.

+ Kỹ thuật PCR: sử dụng bệnh phẩm là dịch hoặc mủ, là kỹ thuật có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao.

Xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum)

Tìm xoắn khuẩn giang mai nếu bệnh nhân có tổn thương: vết trợt, sẩn, đào ban, hạch hoặc tổ chức.

Vị trí lấy bệnh phẩm: tại tổn thương.

Các kỹ thuật phát hiện vi khuẩn:

+ Soi tươi bằng kính hiển vi nền đen: lấy bệnh phẩm, hòa vào một giọt nước muối, dán lamen, soi trên kính hiển vi nền đen.

+ Nhuộm Fontana Tribondeau: lấy bệnh phẩm, phết lên lam kính, nhuộm Fontana Tribondeau, soi trên kính hiển vi quang học.

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh lây truyền qua đường tình dục (Giang mai)
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh lây truyền qua đường tình dục (Giang mai)

+ Kỹ thuật PCR: sử dụng bệnh phẩm lấy được trên các tổn thương: vết trợt, sẩn, đào ban, hạch hoặc tổ chức, kỹ thuật PCR có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao.

+ Các phản ứng huyết thanh:

Phản ứng không đặc hiệu: VDRL, RPR, test nhanh.

Phản ứng đặc hiệu: TPHA, TPI, FTA-Abs….

Bacterial vaginosis (BV)

Vị trí lấy bệnh phẩm: dịch âm đạo

Các kỹ thuật phát hiện vi khuẩn:

+ Tính chất dịch: trắng đục, đồng nhất; số lượng dịch: nhiều.

+ Test Sniff

+ Đo pH âm đạo

+ Nhuộm gram: tìm Clue cells (tế bào biểu mô dính), nhiều loại vi khuẩn bám trên bề mặt tế bào biểu mô.

Tiêu chuẩn chẩn đoán: có 3/4 tiêu chuẩn (có tế bào Clue, Test Sniff dương tính, dịch tiết số lượng nhiều có màu trắng xám đồng nhất ở thành âm đạo, pH > 4,5).

Mycoplasma hominis và Ureaplasma urealyticum

Vị trí lấy bệnh phẩm: dịch âm đạo, dịch niệu đạo.

Các kỹ thuật phát hiện vi khuẩn:

+ Nuôi cấy trên môi trường đặc A7.

+ Nuôi cấy trên môi trường lỏng Duo Kit.

+ Nuôi cấy trên môi trường lỏng IST2 và kháng sinh đồ.

+ Kỹ thuật PCR: sử dụng bệnh phẩm là dịch, là kỹ thuật có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

Trực khuẩn hạ cam (Haemophilus ducreyi)

Vị trí lấy bệnh phẩm: tại tổn thương: vết trợt

Các kỹ thuật phát hiện vi khuẩn:

+ Nhuộm Gram: cầu trực khuẩn bắt màu thẫm ở hai đầu, xếp theo hình đàn cá.

+ Nhuộm huỳnh quang, miễn dịch.

+ PCR: sử dụng bệnh phẩm lấy được trên tổn thương các vết trợt, kỹ thuật có độ nhậy và độ đặc hiệu cao.

Các xét nghiệm chẩn đoán các bệnh lây truyền qua đường tình dục do Virus

Herpes simplex virus (HSV)

Vị trí lấy bệnh phẩm: Tại tổn thương là các mụn nước tròn hoặc oval, có thể đứng thành đám, vết trợt.

Các kỹ thuật phát hiện vi khuẩn:

+ Tìm tế bào Tzanck, nhuộm Giemsa: có tế bào gai lệch hình và tế bào đa nhân khổng lồ

+ ELISA chẩn đoán HSV 1-2

+ PCR chẩn đoán HSV 1-2

+ Nuôi cấy: nuôi cấy trên tế bào sống, kỹ thuật phức tạp

Human papillomavirus (HPV)

Vị trí lấy bệnh phẩm:

+ Nam giới: tại các tổn thương sùi hoặc sẩn. Nếu không có tổn thương có thể lấy: niệu đạo, thân dương vật, da bìu, nước tiểu.

+ Nữ giới: tổn thương hoặc cổ tử cung…

Các kỹ thuật phát hiện:

+ Test acid acetic 5%.

+ Mô bệnh học

+ Kỹ thuật PCR: kỹ thuật có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

+ Nuôi cấy: nuôi cấy trên tế bào sổng, kỹ thuật phức tạp.

Nhiễm HIV

Vị trí lấy bệnh phẩm: máu

Các kỹ thuật phát hiện:

+ Test nhanh

+ Serodia

+ ELISA

+ Kỹ thuật PCR: kỹ thuật có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

+ Đếm số lượng virus trong máu.

Các xét nghiệm chẩn đoán các bệnh lây truyền qua đường tình dục do nấm và ký sinh trùng

Nấm Candida

Vị trí lấy bệnh phẩm:

+ Nam giới: niệu đạo, xung quanh bao quy đầu, nước tiểu.

+ Nữ giới: âm hộ, thành bên âm đạo.

Các kỹ thuật phát hiện:

+ Soi tươi dịch âm đạo/niệu đạo tìm nấm.

+ Nhuộm gram.

+ Nuôi cấy phân lập.

+ Kỹ thuật PCR: kỹ thuật có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

Trùng roi âm đạo (Trichomonas vaginalis)

Vị trí lấy bệnh phẩm:

+ Nam giới: niệu đạo, xung quanh bao quy đầu, nước tiểu.

+ Nữ giới: dịch âm đạo, cùng độ sâu.

– Các kỹ thuật phát hiện:

+ Soi tươi dịch âm đạo/ niệu đạo tìm trùng roi.

+ Nhuộm Giemsa hoặc HE

+ Miễn dịch

+ Nuôi cấy

+ Kỹ thuật PCR: kỹ thuật có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

Ký sinh trùng da (ghẻ, rận mu…)

Vị trí lấy bệnh phẩm: tổn thương da, lông mu.

Các kỹ thuật phát hiện:

+ Soi tươi

+ Nhuộm.

Tài liệu tham khảo

Newman, et al. (2015). Global Estimates of the Prevalence and Incidence of Four

Curable Sexually Transmitted Infections in 2012 Based on Systematic Review and Global Reporting. PLoS One. 10(12), p. e0143304.

WHO (1999). Laboratory diagnosis of sexually transmitted disease. Geneva, 5-24.

Nguyễn Vũ Trung (2014). Vi sinh – Ký sinh trùng lâm sàng, tập 1. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 167-178.

7′ n^D^nd^0. Chiu RWK, Allen Chan KC (2006). Clinical Applications of PCR. 2 ed. Humana Press Inc.

Espinet B, Salgado R (2013). Mycosis fungoides and Sezary syndrome. Methods in molecular biology 973: 175-88.

9- Louie Louie L, Simor A (2000). The role of DNA amplification technology in the diagnosis of infectious disease. CMAJ163: 301-9.

Wang QY, Li RH, Zheng LQ, Shang XH (2014). Prevalence and antimicrobial susceptibility of Ureaplasma urealyticum and Mycoplasma hominis in female outpatients, 2009-2013. J Microbiol Immunol Infect.

Ward KA, Lazovich D, Hordinsky MK (2012). Germline melanoma susceptibility and prognostic genes: a review of the literature. J Am Acad Dermatol 67(5): 1055-67.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *