Sùi mào gà sinh dục – hậu môn

SÙI MÀO GÀ SINH DỤC – HẬU MÔN (Genital wart, condylomat acuminata, venereal wart, Anogenital infection) có biểu hiện thường gặp là các sùi, sẩn, sẩn dẹt hoặc thương tổn sừng hóa ở sinh dục-hậu môn, miệng hoặc da. Bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục nhưng cũng có thể lây từ người lớn sang trẻ nhỏ qua tiếp xúc dù tỷ lệ ít.

Đại cương sùi mào gà

Lịch sử bệnh

Sùi mào gà sinh dục – Genital wart là một bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp, gây nên do virus sùi mào gà Human Papilloma Virus thuộc họ Papilomaviridae – HPV

Biểu hiện thường gặp của bệnh sùi mào gà là các sùi, sẩn, sẩn dẹt. Hoặc thương tổn sừng hóa ở sinh dục-hậu môn, miệng hoặc da. Chỉ có khoảng 1-2% số bệnh nhân nhiễm virus sùi mào gà có triệu chứng lâm sàng. Còn đại đa số người nhiễm HPV không có biểu hiện lâm sàng hoặc dưới lâm sàng. Virus có trong đường sinh dục phụ nữ nên có thể lây cho trẻ sơ sinh khi đẻ. Và gây nên u nhú đường hô hấp. HPV có thể gây loạn sản tế bào, ung thư biểu mô tại chỗ (SCCI), ung thư tế bào gai xâm lấn (invasive SCC), hay gặp ở cổ tử cung và hậu môn – trực tràng.

Ngay từ sau Công nguyên, người ta đã biết và mô tả bệnh sùi mào gà. Đến đầu thế kỷ XIX, đã xác định bệnh sùi mào gà là do virus. Đến năm 30 thế kỷ trước, người ta biết HPV gây ung thư biểu mô tại chỗ hoặc xâm lấn. Nhưng phải đến những năm 80-90 mới xác định được các chủng HPV nào liên quan đến ung thư sinh dục và hậu môn.

Dịch tễ học bệnh sùi mào gà

Nghiên cứu bằng kỹ thuật PCR trên phụ nữ có tế bào cổ tử cung bình thường cho thấy tỷ lệ nhiễm HPV dao động từ 1,5 – 44,3%. Nghiên cứu trên phụ nữ trẻ chưa quan hệ tình dục và phụ nữ trẻ quan hệ tình dục cho thấy. Tỷ lệ nhiễm HPV rất thấp trên đối tượng chưa quan hệ tình dục và cao trên đối tượng đã quan hệ tình dục. Những phụ nữ trẻ tuổi quan hệ tình dục nhiều, có nhiều bạn tình thì có tỷ lệ nhiễm HPV cao hơn những phụ nữ lớn tuổi. Trên các đối tượng có nhiều bạn tình, ở cả nam và nữ đều có tỷ lệ nhiễm virus sùi mào gà cao trên 20%.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, có tới 50% người lớn có quan hệ tình dục bị nhiễm một hay nhiều chủng HPV. Đa số họ bị nhiễm nhưng không biểu hiện lâm sàng, không biểu hiện triệu chứng và lành tính. Những trường hợp có biểu hiện lâm sàng có nguy cơ lây truyền cao hơn các trường hợp không triệu chứng. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhiễm HPV có xu hướng tăng dần.

Tác nhân gây bệnh sùi mào gà

HPV (Human Papilloma Virus – HPV) là DNA papovavirus, thuộc họ Papilomaviridae, nhân lên trong tế bào thượng bì, d = 52-56nm. Có hơn 40 týp HPV gây bệnh ở sinh dục. Trong đó týp 6 và 11 chiếm tới 90%. Các týp 16, 18, 31, 33 và 35 có thể gây loạn sản tế bào và gây ung thư. Những bệnh nhân có nhiều bạn tình có thể nhiễm nhiều týp HPV và không có biểu hiện lâm sàng. Các yếu tố thuận lợi cho nhiễm HPV là: nhiều bạn tình, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (Sexually Transmitted Disease – STD) khác.

HPV lây truyền qua quan hệ tình dục đường sinh dục – sinh dục, miệng – sinh dục, sinh dục – hậu môn. HPV xâm nhập vào niêm mạc sinh dục qua các thương tổn ở thượng bì và nằm ở lớp đáy. HPV cũng có thể lây truyền khi trẻ đẻ qua đường sinh dục của bà mẹ gây u nhú ở thanh quản.

Hầu hết bệnh nhân nhiễm HPV không biểu hiện lâm sàng hoặc dưới lâm sàng.

Thời gian ủ bệnh của sùi mào gà thường khoảng 3-8 tuần. Sau khi nhiễm HPV xuất hiện các triệu chứng bệnh sau khoảng 2-3 tháng. Bệnh có thể không tiến triển hoặc phát triển to lên. Sau khi bệnh giảm hoặc không biểu hiện lâm sàng, nhưng HPV vẫn tồn tại dưới lâm sàng suốt đời người bệnh. Phụ nữ có thai bệnh có thể phát triển nặng hơn và bội nhiễm vi khuẩn.

Biểu hiện lâm sàng của sùi mào gà

Các vị trí thương tổn

Tổn thương xuất hiện tại chỗ bị sang chấn khi quan hệ tình dục. Có thể đơn độc hoặc thường có nhiều thương tổn, khoảng 5-15. Đường kính tổn thương từ 1 – 10mm. Các thương tổn có thể kết vào nhau thành mảng lớn. Đặc biệt hay gặp ở người bị suy giảm miễn dịch và đái tháo đường. Bệnh nhân thường không có triệu chứng chủ quan kể cả khi thương tổn mới xuất hiện. Một số có thể ngứa, cảm giác bỏng rát, đau hoặc chảy máu. Nhiều người bệnh không nhận biết mình bị bệnh.

Thương tổn của sùi mào gà
Thương tổn của sùi mào gà

Ở nam giới, vị trí tổn thương thường gặp là dương vật, rãnh quy đầu, hãm dương vật, mặt trong bao quy đầu. Sùi mào gà có thể thấy ở bìu, bẹn, vùng đáy chậu và hậu môn.

Sùi mào gà ở nam
Sùi mào gà ở nam

Ở phụ nữ, tổn thương ở hãm môi âm hộ, môi bé, môi lớn, âm vật, lỗ niệu, vùng đáy chậu hậu môn, tiền đình âm đạo, âm môn, màng trinh, âm đạo và mặt ngoài cổ tử cung. Phụ nữ bị sùi mào gà có thể xuất hiện triệu chứng ra khí hư. Có thể có viêm âm đạo vi khuẩn kèm theo.

Sùi mào gà ở nữ
Sùi mào gà ở nữ

Lỗ niệu đạo bị tổn thương ở nam 20 – 25% và nữ 4 – 8%. Hậu môn ít gặp ở gần đường răng cưa. Ngoài ra có thể gặp thương tổn ở bàng quang, miệng họng.

Hình thái thương tổn của sùi mào gà đa dạng

Màu sắc của sùi mào gà không sừng hoá có màu hồng tươi – màu đỏ. Sùi mào gà bị sừng hoá có màu xám trắng và các thương tổn nhiễm sắc có màu tro xám – nâu đen. Tổn thương sùi mào gà không có xu hướng bị nhiễm sắc. Nhưng các thương tổn nhiễm sắc có thể thấy ở môi lớn, thân dương vật, mu, bẹn, đáy chậu và hậu môn.

Sùi mào gà ở hậu môn
Sùi mào gà ở hậu môn

Các loại thương tổn

Có thể chia làm 4 loại:

Sùi mào gà nhọn (acuminate warts): thường gặp ở niêm mạc biểu mô như bao quy đầu, lỗ miệng sáo, môi nhỏ, tiền đình âm đạo, âm đạo, cổ tử cung, hậu môn và trong hậu môn. Tuy nhiên, tổn thương có thể thấy ở bẹn, đáy chậu và vùng hậu môn. Các thương tổn có hình dạng trẽ ngón (giống như súp lơ) này rất nhiều mạch máu nhỏ nên rất dễ chảy máu.

Sùi mào gà dạng sẩn (papular warts): thường gặp ở vùng biểu mô sừng hoá. Như mặt ngoài bao da qui đầu, thân dương vật, bìu, hai bên âm hộ, mu, đáy chậu và quanh hậu môn.

Sẩn sừng hóa (keratotic wart): các thương tồn này thường quá sừng hoặc nhiễm sắc. Không có hình thái tổn thương giống ngón tay của thế sùi mào gà nhọn. Tổn thương sẩn đỏ nâu nhạt, nhiễm sắc, dạng bạch sản là dấu hiệu của sẩn dạng Bowen.

Tổn thương sẩn dẹt (flat-topped papules): có thể chi dạng dát hoặc tổn thương nổi cao rất ít trên bề mặt da – niêm mạc. Màu xám tràng nhạt, đỏ hồng nhạt hoặc màu đỏ nâu.

U tân sinh trong biểu mô

Sẩn dạng Bowen và bệnh Bowen là các tổn thương nhìn thấy do HPV gây u trong biểu mô thuộc týp 16. Phân biệt giữa 2 bệnh này dựa trên lâm sàng, tuổi bệnh nhân là yếu tố quan trọng. Sẩn dạng Bowen xảy ra ở tuổi 25 – 35 và bệnh Bowen tuổi 40 – 50 hoặc trên 50. Sẩn dạng Bowen biểu hiện là các thương tổn dát sần có bề mặt mềm mượt như nhung. Màu sắc ở niêm mạc thay đổi từ màu nâu nhạt hoặc màu đỏ, xám trắng nhạt và ở da có màu xám tro tới màu nâu đen.

Condyloma khổng lồ (Giant Condyloma = Buschke-Loewenstein Tumour)

Đây là một thể rất hiếm gặp do HPV 6 và 11 gây nên. Bệnh có đặc điểm là xâm lấn xuống dưới trung bì. Tổ chức bệnh học có những vùng condyloma lành tính xen kẽ với các ổ tế bào thượng bì bất thưởng hoặc các tế bào biệt hoá ung thư tế bào gai (SCC). Chẩn đoán u Buschke – Loewenstein cần phải sinh thiết nhiều chỗ, chụp cắt lớp vi tính hoặc hình ảnh cộng hưởng từ.

Đánh giá lâm sàng bệnh sùi mào gà

Mục đích của việc nghiên cứu tỉ mỉ này để có được chẩn đoán và điều trị đúng, giảm thiểu hậu quả về tâm lý cho bệnh nhân. Khi loại bỏ được tổn thương thì nguy cơ lây truyền HPV có thể giảm di. Các xét nghiệm để phát hiện các bệnh STD khác có thể phải làm tuỳ theo chiến lược của địa phương. Trước khi điều trị cần phải biết về loại thương tổn, vị trí của tổn thương, số thương tổn đơn độc hay nhiều.

Đối với cả hai giới cần kiểm tra cẩn thận sinh dục ngoài bằng nguồn sáng mạnh. Sử dụng kính lúp để phát hiện các thương tổn nhỏ.

Ở phụ nữ 25% có tổn thương ở cổ tử cung và/hoặc âm đạo, trên 50% có tổn thương dẹt hoặc có u tân sản trong biểu mô cổ tử cung. Khoảng 1/3 phụ nữ có u tân sản ở âm hộ có đồng thời u tân sản ở cổ tử cung và/hoặc âm đạo. Vì vậy cần phải khám bằng mỏ vịt để phát hiện các tổn thương trong âm đạo, cổ tử cung.

Để phát hiện các tổn thương dẹt có thể cần soi cổ tử cung và làm tế bào. Soi cổ tử cung có độ nhạy cao hơn, đặc biệt đối với u tân sản cổ tử cung. Trái lại, đối với tổn thương âm hộ thì xét nghiệm tổ chức học là bắt buộc. Khi tổn thương cổ tử cung được điều trị thì cần sinh thiết dưới sự hướng dẫn của soi cổ tử cung.

Chẩn đoán bệnh sùi mào gà

Các điểm mấu chốt của chẩn đoán

Tổ chức học không cần thiết đối với tổn thương sùi mào gà nhọn, nhiều thương tổn và mới xuất hiện ở bệnh nhân dưới 35 tuổi.

Sinh thiết cần làm để chẩn đoán phân biệt đối với các thương tổn dạng sẩn và dạng dát, cũng như đối với dạng mụn cóc ở bệnh nhân trên 35 – 40 tuổi.

Test acid acetic có thể có giá trị để vạch rõ kích thước thương tổn trước khi sinh thiết và phẫu thuật.

Thông tin về chủng HPV không cần thiết cho lâm sàng.

Sùi mào gà có thể có nhiều tổn thương và ở nhiều vị trí khác nhau. Nên khi khám phải rất cẩn thận và tỉ mỉ. Khám toàn bộ vùng sinh dục, hậu môn. Đối với phụ nữ, cần khám bằng mỏ vịt để phát hiện tổn thương sùi trong âm đạo, cổ tử cung. Soi cổ tử cung, hậu môn được chỉ định khi có thương tổn sùi ở cổ tử cung, ở những người quan hệ tình dục qua đường hậu môn, sùi mào gà vùng quanh hậu môn tái phát nhiều lần. Khi có sùi ở miệng sáo, niệu đạo, thường đi tiểu ra máu tươi cuối bãi và có bất thường dòng nước tiểu.

Sùi mào gà còn có thể thấy ở môi, họng, vòm họng, hay kèm theo các thương tổn vùng sinh dục – hậu môn và có tiền sử tình dục đường miệng.

Soi niệu đạo

Để khám miệng sáo chỉ cần dùng tăm bông mở hai mép miệng sáo ra nhưng muốn khám kĩ hố thuyền thì phải soi niệu đạo. Sử dụng mỏ vịt nhỏ (panh nhỏ) hoặc ống khám tai để khám kĩ trong niệu đạo hố thuyền. Thông thường, niệu đạo sau không bị tổn thương nếu không thấy có sùi mào gà ở miệng sáo.

Soi hậu môn

Cần soi hậu môn khi có sùi mào gà ở vùng hố chậu và quanh hậu môn vì khoảng 1/3 các trường hợp có thể có thương tổn trong hậu môn.

Test acid acetic

Bôi acid acetic 5% sau vài phút thương tổn có màu xám trắng. Kết quả của test này giúp cho sinh thiết và phẫu thuật loại bỏ thương tổn. Tuy nhiên, test này không đặc hiệu và không sử dụng trong mục đích sàng lọc. Kết quả dương tính thường xảy ra với các bệnh có viêm như lichen xơ và teo, lichen phẳng, vảy nến, viêm qui đầu bao da, viêm âm hộ âm đạo, eczema, herpes sinh dục và các vi sang chấn gây bào mòn niêm mạc.

Tổ chức học

Phiến đồ cổ tử cung (Pap smear) và hậu môn cần được khuyến cáo làm định kỳ để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.

Sinh thiết không cần thiết đối với các trường hợp tổn thương nhọn, nhiều và mới. Nhưng cần làm với các trường hợp không điển hình để chẩn đoán phân biệt hoặc nghi ngờ về tính chất lành tính của các thương tổn sẩn và dát. Ví dụ như là nghi ngờ sẩn dạng Bowen, bệnh Bowen hoặc condyloma khổng lồ. Sinh thiết tiến hành 10 phút sau khi gây tê tại chỗ: sinh thiết đục lỗ (punch biopsy), cắt sinh thiết hoặc cắt kẹp.

Phát hiện DNA của HPV bằng kỹ thuật PCR

Chẩn đoán phân biệt

Các bệnh cần chẩn đoán phân biệt là u mềm lây, u xơ biểu mô (ubro epithelioma), dày sừng da dầu (seborrheic keratosis), lichen xơ teo, lichen phẳng, vảy nến, các thương tổn sẩn khác như u mềm treo, các u tuyến bã (tuyến Tyson), nốt ruồi, lichen nitidus, condyloma lata.

Các thương tổn sùi dẹt hoặc dạng dát cần phân biệt với vảy nến, viêm da dầu, hội chứng Reiter, bệnh Bowen, hồng sản Queyrat ở qui đầu và ung thư tế bào gai do HPV.

Nam giới: sẩn qui đầu sinh lý (physiological pearly penile papules) hay bắt đầu ở trẻ vị thành niên. Tổn thương là sẩn 1 – 2 mm xếp thành 2-3 hàng ở vành qui đầu.

Phụ nữ có sẩn nhỏ ở môi nhỏ và tiền đình (micro papilomatosis labialis). Tuyến bã ở âm hộ cũng có thể nhầm với sùi mào gà.

Trong trường hợp chẩn đoán chưa rõ ràng, cần sinh thiết.

Điều trị bệnh sùi mào gà

Sự mong đợi của trị liệu là khỏi bệnh hoặc ít ra là làm lui bệnh trong thời gian dài. Các trị liệu hiện nay có nhược điểm chủ yếu là không có phương pháp nào diệt được

HPV và tỷ lệ tái phát khoảng 20 – 30% và có thể cao hơn. Các trị liệu thường gây phản ứng tại chỗ như ngứa, bỏng rát, trợt loét và đau. Một số phương pháp đòi hỏi bệnh nhân phải đến thầy thuốc nhiều lần. Do vậy không tiện lợi cho người bệnh.

Trị liệu tại nhà do bệnh nhân tự bôi thuốc

Podophyllotoxin: kem 0,15%, dung dịch 0,5% là chiết xuất tinh lọc từ cây Podophyllum gắn kết với các vi tế bào hình ống, ức chế phân bào và làm hoại tử condyloma sau tối đa 3-5 ngày bôi. Trợt loét do thuốc gây ra thường nông và khỏi sau vài ngày. Đợt điều trị: bệnh nhân tự bôi 2 lần/ngày trong 3 ngày. Tiếp theo có thể bôi thêm 4-7 ngày. Dạng dung dịch 0,5% tiện lợi cho sùi mào gà dương vật.

Trái lại, tổn thương ở âm hộ và hậu môn thì dùng dạng kem 0,15% thì khả thi và hiệu quả hơn do người bệnh có thể tự kiểm tra và xúc giác của ngón tay giúp cho việc bôi thuốc. Bệnh nhân có thể phải điều trị từ 1 – 4 đợt. Tỷ lệ khỏi bệnh khoảng 60 – 90%. Tỷ lệ tái phát 7 – 38%. Nếu sau 4 đợt điều trị không khỏi thì cần phải thay bằng phương pháp khác. Tổn thương ở miệng sáo và tổn thương sừng hóa ở da thường khó điều trị.

Imiquimod cream 5% (Imidazol Quinoneimine)

Có thành phần giống nucleoside, thuốc bôi có tác dụng làm thay đổi đáp ứng miễn dịch. Tạo ra tại chỗ các Interferon và lôi kéo các tế bào miễn dịch TCD4+. Đáp ứng miễn dịch này có thể làm giảm DNA của HPV, từ đó làm bệnh thuyên giảm. Kem Imiquimod đóng trong túi nhỏ. Bôi 3 lần/tuần khi đi ngủ. Được rửa vào sáng hôm sau bằng xà phòng. Điều trị cho đến khi khỏi bệnh. Thời gian tối đa là 16 tuần. Tỷ lệ khỏi bệnh khoảng 56%, tỷ lệ tái phát 13%. Tác dụng phụ gây đỏ da mức độ nhẹ và vừa, hiếm gặp trợt da và cảm giác bỏng rát.

Chống chỉ định

Podophyllotoxin chống chỉ định cho phụ nữ có thai và cho con bú. Imiquimod không gây quái thai cho động vật nghiên cứu nhưng chưa có nghiên cứu nào ở phụ nữ có thai.

Phản ứng da do thuốc Podophyllotoxin thường xảy ra vào ngày thứ 3 đợt điều trị và đối với Imiquimod sau 3 – 4 tuần lễ. Các phản ứng khỏi sau vài ngày ngừng bôi thuốc. Rất thận trọng khi bôi ở bao qui đầu vì có thể gây trợt loét và đau. Xử trí trong trường hợp này là rửa bằng nước muối và bôi kem corticoid.

Trị liệu tại các cơ sở y tế

Phẫu thuật cắt bỏ

Chỉ định tuỳ theo nơi phân bổ tổn thương, vị trí và kinh nghiệm, kỹ năng của thầy thuốc. Gây tê tại chỗ 10 – 15 phút trước khi phẫu thuật (lidocain 2% 5ml, 1% 10ml). Adrenalin tiêm làm giảm chảy máu nhưng không được tiêm vào dương vật và vùng âm vật. Độ sâu của phẫu thuật tới các nhú bì. Nếu sâu hơn có thể gây xơ hoá và sẹo. Phương pháp này thường tốt, đảm bảo thẩm mĩ, tuy nhiên có thể gây thâm da.

Các phương pháp cắt bằng dao mổ, dao điện và laser CO2. Chú ý bảo vệ cho nhân viên y tế khi đốt điện, laser bằng khẩu trang và hút khói khi đốt tổn thương.

Phẫu thuật cắt bỏ các tổn thương lớn ở sinh dục, hậu môn cần gây mê toàn thân.

Đốt lạnh

Cơ chế của đốt lạnh là làm hoại tử trung bì, thượng bì và gây tắc các vi mạch ở trung bì. Trị liệu theo kỹ thuật đông băng – tan băng – đông băng cho mỗi đợt điều trị. Khoảng cách giữa 2 đợt là 1 tuần. Có thể chấm dung dịch nitơ, tuyết các bon. Áp vào tổn thương đã được làm ẩm bằng nước muối hoặc chất keo lỏng cho đến khi tạo nên quầng đông băng xung quanh thương tổn.

Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, rẻ tiền ít khi gây sẹo và thâm da. Hiệu quả điều trị 60 – 89%.

Acid Trichloroacetic 80-90% (TCA) là một chất phá huỷ tổ chức do làm hoại tử tế bào. Nó có tác dụng tốt đối với tổn thương nhỏ nhọn và dạng sẩn. Nhưng kém hiệu quả với các thương tổn lớn hoặc sừng hoá. Hiệu quả điều trị đạt 70-80% nhưng tỷ lệ tái phát tới > 30%. TCA gây bỏng rát, có thể gây đau, loét sâu và gây sẹo. Cần chuẩn bị sẵn chất gây trung hoà như muối bicarbonate. TCA có thể dùng cho phụ nữ có thai.

Những trị liệu không được khuyến cáo sử dụng rộng rãi trong điều trị sùi mào gà

Do những hạn chế bao gồm hiệu quả thấp và độc tính, một số thuốc sau không được khuyến cáo sử dụng trong cơ sở CSSKBĐ. Bao gồm interferon, 5-fluorouracil, podophyllin.

Trong các cơ sở chuyên khoa, 5-fluorouracil có thể dùng điều trị sùi mào gà trong niệu đạo, interferon dùng phối hợp với phẫu thuật. Podophyllin bôi diện rộng có thể gây độc toàn thân. Bao gồm ức chế tủy xương, ảnh hưởng hệ thần kinh TW và tim mạch.

Phụ nữ có thai bị sùi mào gà nguy cơ lây cho trẻ sơ sinh tỷ lệ 1/400. Gây u nhú ở thanh quản (Juvenil laryngeal papillomatosis – JLP).

Bệnh nhân suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) thường bị tổn thương ở nhiều vị trí, khó điều trị. Và có thể gây u tân sinh trong biểu mô. Những bệnh nhân này cần xét nghiệm tế bào để phát hiện sớm ung thư.

Tư vấn cho bệnh nhân mắc bệnh sùi mào gà

Tư vấn đề người bệnh điều trị khỏi bệnh và thầy thuốc không lên án mà hỗ trợ họ, thảo luận về bệnh, về điều trị và về tình dục.

Những ảnh hưởng về sức khỏe và tâm lý tình dục:

Sùi mào gà hậu môn sinh dục làm biến dạng bộ phận bị bệnh và có thể ảnh hưởng đến đời sống tình dục. Bệnh làm cho người bệnh cảm thấy lo âu, sự tội lỗi, tức giận và mất đi sự tự trọng. Làm cho người bệnh lo sợ về khả năng sinh đẻ sau này và về nguy cơ bị ung thư. Các triệu chứng bao gồm viêm tấy, nứt, ngứa, chảy máu hoặc đau khi giao hợp.

Theo dõi

Trên người có miễn dịch bình thường, khi thương tổn đã sạch và không có tác dụng phụ nào xảy ra thì không cần theo dõi. Trái lại, ở những người suy giảm miễn dịch, bệnh có thể tái phát nên cần theo dõi định kỳ trong thời gian dài. Đối với phụ nữ, cần làm phiến đồ cổ tử cung định kỳ hàng năm.

Phòng bệnh sùi mào gà

Hiện nay tỷ lệ hiện mắc HPV tăng lên, và nhiễm trùng thường là không triệu chứng. Hơn nữa một người có thể mắc một hay nhiều chủng HPV dù họ là người chỉ có ít bạn tình. Hiện nay, vaccin phòng nhiễm HPV đang được nghiên cứu trên cơ sở phát triển thành phần vỏ virus. Vaccin phòng với chủng nguy cơ cao 16 & 18: Gardasil cho nam và nữ. Cervarix cho nữ. Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất hiện nay vẫn là sử dụng bao cao su.

Tài liệu tham khảo

Phạm Văn Hiển, Trịnh Quân Huấn, Nguyễn Duy Hưng và cs (2003). Xử trí các bệnh lây truyền qua đường tình dục, Nhà xuất bản Y học.

Bộ Y tế (2006). Nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục & Nhiễm khuẩn đường sinh sản – Hướng dẫn thực hành cơ bản. Vụ sức khỏe sinh sản.

Tony Burns, Stephen Breathnach, Neil Cox, Christopher Griffiths (2004). Rook’s Textbook of Dermatology, Blackwell.

Thomas B. Fitzpatrick, Arthur z. Eisen, Klaus Wolff, Irwin M. Freedberg, K. Frank Austen (2012). Dermatology in General Medicine, International Edition.

King K. Holmes, p. Frederick Sparling et al (2012). Sexually Transmitted Diseases, Me Graw Hill Medical. Fouth Edition.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *