Bệnh U mềm lây (Molluscum Contagiosum)

Bệnh u mềm lây (Molluscum Contagiosum) là một bệnh da hay gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh đặc trưng bởi các sẩn lõm giữa thường có màu da, xu hướng lan ra vùng xung quanh ở mặt, thân mình. Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Đại cương

U mềm lây (Molluscum Contagiosum) là bệnh da do virus có tên khoa học là Molluscum contagiosum virus (MCV) thuộc nhóm Poxvirus gây nên.

Ở Mỹ, ước tính khoảng 1% dân số mắc ít nhất một lần u mềm lây trong đời và số bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế năm 1983 tăng gấp 11 lần so với năm 1966. Tại Anh, theo nghiên cứu của Pannell thì tỉ lệ mới mắc bệnh ở nam là 243/100 000 và ở nữ là 231/100 000.

Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường gặp nhất ở trẻ em. Theo nghiên cứu của Dohil MA và cộng sự thì 80% bệnh nhân dưới 8 tuổi. Nghiên cứu của Pannell nhận thấy 3,4% trẻ em nam và 3,2% trẻ em nữ từ 5 đến 14 tuổi bị u mềm lây.

Căn nguyên bệnh u mềm lây

Lịch sử phát hiện

U mềm lây được Bateman mô tả lần đầu tiên năm 1817 và năm 1905 Juliusburg phát hiện ra căn nguyên gây bệnh là virus có tên khoa học là Molluscum contagiosum virus (MCV) thuộc nhóm Poxvirus có kích thước lớn (200*300*l00mm). Màng trong và màng ngoài của virus bao quanh nhân hình chùy, trong chứa gen là 1 chuỗi kép DNA với trọng lượng 120-200 megadaltons. Virus nhân lên trong tế bào biểu mô, kích thích các tế bào này sản xuất ra các thể vùi, có kích thước lớn hơn bình thường, nhân bị teo nhỏ, tương bào bắt màu kiềm.

Phân loại các tuýp

Có 4 type virus là MCV 1, 2, 3 và 4. Hai type thường gặp là MCV 1 và MCV 2. Trong đó type 1 là nguyên nhân chủ yếu gây tổn thương da. Type 2 thường gây u mềm lây ở người lớn và được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trên lâm sàng không phân biệt các type gây bệnh mà chủ yếu dựa vào các xét nghiệm PCR mới có thể định type được virus.

Lây truyền

Phương thức lây truyền là tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp qua các dụng cụ, tay bị tổn thương khi phẫu thuật, trẻ em tắm cùng bể tắm, dùng khăn, dụng cụ thể thao chung hoặc ngồi cùng ghế. Theo Braue và cộng sự, 62 % trẻ em mắc u mềm lây do tắm ở bể bơi.

Các yếu tố thuận lợi

Có nhiều yếu tố thuận lợi cho virus phát triển, đặc biệt là ở bệnh nhân bị viêm da cơ địa (VDCĐ). Nghiên cứu của Dohil MA và cộng sự ghi nhận 24% bệnh nhân mắc u mềm lây có tiền sử hoặc đang biểu hiện VDCĐ. Cũng theo tác giả, những bệnh nhân bị VDCĐ thường có số lượng thương tổn nhiều hơn và có xu hướng lan tỏa. Tác giả cũng cho rằng những người bị VDCĐ hoặc da khô, chức năng bảo vệ của da đối với các tác nhân gây bệnh suy giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho sự bám dính và gây bệnh của virus ở da. Hơn nữa, việc điều trị VDCĐ bằng các loại kem có chứa corticoid cũng là điều kiện cho sự lan tràn của bệnh.

Chẩn đoán bệnh u mềm lây

Triệu chứng lâm sàng

– Thời gian ủ bệnh: từ hai tuần đến sáu tháng.

Xuất hiện khi tìm kiếm trên Google "u mềm lây" "bệnh da trẻ em"
Tổn thương cơ bản u mềm lây

– Tổn thương cơ bản: là sẩn chắc có màu hồng nhạt, trắng đục hoặc màu vàng, đôi khi màu da bình thường, đường kính từ 2-6mm, lõm giữa, đứng riêng rẽ hoặc thành từng đám.

Các sẩn có thể sắp xếp thành dải (dấu hiệu Koebner). Số lượng tổn thương thay đổi từ 1-20 cho tới hàng trăm.

Vị trí: Ở trẻ em, thương tổn chủ yếu ở vùng da hở như ở mặt, cổ, nếp gấp. Ở người lớn, thương tổn thường ở vùng bụng dưới, phía trong đùi, xương mu, sinh dục.

Xuất hiện khi tìm kiếm trên Google "u mềm lây" "bệnh da trẻ em"
U mềm lây ở trẻ em

Da xung quanh thương tổn có thể đỏ, ngứa do phản ứng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với tác nhân gây bệnh. Ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch như: nhiễm HIV, mắc các bệnh mạn tính bẩm sinh, hoặc điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch, thương tổn u mềm lây thường có kích thước lớn hơn 5mm, lan tỏa toàn thân với số lượng nhiều (>30) và tồn tại dai dẳng.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Mô bệnh học

Biểu bì quá sản mạnh gấp nhiều lần bình thường, gồm nhiều tiểu thể mềm bắt màu ưa acid, đứng sát cạnh nhau, nén chặt lại thành từng thùy hình quả lê, xâm lấn xuống trung bì nông, trung tâm lõm hình miệng dạng núi lửa. Trung bì có hiện tượng xâm nhập ít bạch cầu đơn nhân xung quanh các huyết quản ở trung bì nông.

Các xét nghiệm khác

– Phản ứng huyết thanh xác định kháng thể kháng virus u mềm lây trong huyết thanh.

– Nhuộm giemsa hay nhuộm gram phát hiện các tế bào sừng có kích thước lớn trong chứa nhiều thể vùi.

– Kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang phát hiện kháng nguyên MCV.

Chẩn đoán

Chẩn đoán xác định u mềm lây

Việc chẩn đoán xác định u mềm lây chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng

– Sẩn màu da bình thường hay màu trắng đục đứng riêng rẽ hoặc tập trung thành đám.

– Dấu hiệu lõm giữa tổn thương.

– Dấu hiệu Koebner.

– Trường hợp không điển hình, có thể dùng curette nạo thương tổn sẽ thấy một nhân màu trắng đục bong ra.

Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán u mềm lây thường dễ dàng. Một số trường hợp không điển hình cần chẩn đoán phân biệt với:

– Milia: do các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn, các chất bã ứ đọng lại tạo thành các sẩn kích thước nhỏ dưới 1 mm, có nhân màu trắng, không ngứa, không đau. Vị trí thường gặp ở mặt, ngực, lưng.

– Hạt cơm phẳng: do Human papilloma virus gây nên. Tổn thương cơ bản là các sẩn phẳng, hơi nổi cao hơn mặt da. Vị trí thường gặp ở vùng da hở như mặt, mu tay, cẳng tay.

– U ống tuyến mồ hôi: là những u da lành tính xuất phát từ các tế bào ở ống tuyến mồ hôi. Bệnh thường ở phụ nữ. Tổn thương là các sẩn màu da, kích thước 1-2 mm. Vị trí chủ yếu ở quanh mắt, đặc biệt là vùng mi dưới.

– Penicillium marneffev. tổn thương cũng là những sẩn lõm giữa, khu trú hoặc lan toả. Xét nghiệm soi tươi hoặc nuôi cấy có nấm. Bệnh thường gặp ở người suy giảm miễn dịch, nhất là ở những người nhiễm HIV/AIDS.

Điều trị bệnh u mềm lây

Các tổn thương u mềm lây tiến triển lành tính. Bệnh có thể tự thoái lui sau một thời gian tiến triển. Nhiều phương pháp đã được áp dụng để điều trị u mềm lây hoặc sử dụng các phương pháp phá hủy thương tổn (nạo bằng curette, phẫu thuật lạnh, bôi cantharidin, các thuốc bạt sừng…), hoặc các thuốc kích thích miễn dịch (imiquimod, cimetidin, tiêm interferon trong thương tổn). Tuy nhiên, cũng như các bệnh virus khác, cho đến nay vẫn chưa có biện pháp nào đặc hiệu để điều trị bệnh.

Nạo bỏ u mềm lây bằng curette

Đây là phương pháp loại bỏ thương tổn nhanh. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể thực hiện dễ dàng ở người lớn, Bệnh dễ tái phát sau điều trị. Theo nghiên cứu của Simornarl thì tỉ lệ tái phát sau 4 tuần điều trị bằng nạo curette là 66%, nhất là những trường hợp bệnh nhân có nhiều thương tổn và bị viêm da cơ địa. Ở trẻ em thường làm cho các cháu sợ hãi, sang chấn về tâm lý gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Imiquimod

Có tác dụng kích thích các tế bào có chức năng miễn dịch sản xuất ra interferon, TNI” và Interleukin và tăng hoạt động tế bào T, nên được chỉ định tương đối rộng rãi để điều trị u mềm lây. Al- Mutairi nghiên cứu điều trị u mềm lây cho 37 bệnh nhân bằng bôi kem imiquimod 5% cho thấy 34/37 (91,8%) bệnh nhân khỏi hoàn toàn sau 6 tuần điều trị. So sánh kết quả điều trị bằng imiquimod với điều trị bằng phẫu thuật lạnh, tác giả không thấy có sự khác biệt giữa hai nhóm nghiên cứu, tuy nhiên điều trị bằng phẫu thuật lạnh có nhiều biến chứng hơn như đau, bỏng sau điều trị, đặc biệt là tình trạng rối loạn sắc tố sau điều trị.

Bôi salicylic

Có tác dụng bạt sừng loại bỏ nhân cồi của u mềm lây. Leslie KS sử dụng salicylic acid dạng gel 12% để điều trị u mềm lây cho 24 bệnh nhân trẻ em từ 1 đến 15 tuổi cho thấy 87,5% bệnh nhân kết quả tốt. Tuy nhiên, thời gian điều trị kéo dài 24 tuần.

Điều trị u mềm lây bằng laser

Đây cũng là một trong những biện pháp được ứng dụng trong những năm gần đây để điều trị u mềm lây. Loại laser hay được sử dụng nhất là laser màu (Pulsed dye laser) có bước sóng 585 nm có tác dụng phá hủy các mạch máu nuôi dưỡng tổ chức u. Hancox dùng laser màu điều trị cho 15 bệnh nhân (35%) cho kết quả tốt. Tuy nhiên, phương pháp này khó thực hiện một cách rộng rãi vì cần có thiết bị máy laser màu đắt tiền.

KOH (Potassium Hydroxide)

Dung dịch kiềm KOH 10% có tác dụng làm mềm chất keratin từ đó làm tan các tế bào sừng ở biểu bì. Thuốc có tác dụng làm tan nhân cồi và dễ dàng tự bong. Romiti và cộng sự sử dụng dung dịch KOH 10% bôi ngày 2 lần ghi nhận 88,9% bệnh nhân hết thương tổn sau 17 ngày điều trị. So sánh hiệu quả điều trị u mềm lây giữa hai phương pháp bôi kem imiquimod và dung dịch KOH, Melkar và cộng sự thấy không có sự khác biệt về hiệu quả điều trị giữa hai nhóm. Tuy nhiên, chi phí điều trị bằng kem imiquimod cao hơn nhiều so với điều trị bằng dung dịch KOH.

Phương pháp khác

Một số phương pháp điều trị khác cũng được áp dụng để điều trị u mềm lây như bôi cantharidin, acid trichoroacetic, podophyllontoxin, uống cimctidin, tiêm interferon trong thương tổn. Mỗi biện pháp có những ưu điểm và nhược điểm riêng và kết quả điều trị khác nhau tùy theo từng tác giả.

Tài liệu tham khảo

1. Al-Mutairi N, Al-Doukhi A, Al-Farag s, Al-Hadung dịchad A. (2010), Comparative Study on the Efficacy, Safety, and Acceptability of Imiquimod 5% Cream versus Cryotherapy for Molluscum Contagiosum in Children. Pediatric Dermatology. Jul-Aug 27(4): tr.388-94.

2. Bard s, Shiman MI, Bellman B, Connelly EA. (2009), Treatment of facial molluscum contagiosum with trichloroacetic acid. Pediatr Dermatol. Jul-Aug;26(4). Tr. 425-6.

3. Barba AR, Kapoor s, Berman B. (2006), An open label safety study of topical imiquimod 5% cream in the treatment of molluscum contagiosum in children. Dermatol Online J. 7:20

4. Becker TM, Blount JH, Douglas J, Judson FN. (1986), Trends in molluscum contagiosum in the United States, 1966-1983. Sex Transm Dis. Apr-Jun;13(2), tr. 88-92.

5. Braue A, Ross G, Varigos G, Kelly H. (2005), Epidemiology and impact of childhood molluscum contagiosum: a case series and critical review of the literature. Pediatr Dermatol. Jul-Aug;22(4), tr. 287-94.

6. Dohil MA, Lin p, Lee J, Lucky AW, Paller AS, Eichenfield LF. (2006), The epidemiology of molluscum contagiosum in children. J Am Acad Dermatol. Jan; 54(1), tr. 47-54.

7. Gur I. (2008), The epidemiology of Molluscum contagiosum in HIV-seropositive patients: a unique entity or insignificant finding? Int J STD AIDS. Aug; 19(8), tr. 503-6

8. LAWRENCE M. SOLOMON, M.D., F.R.C.P. [C]* and PAUL TELNER, M.D., F.R.C.P. [CỊ, Montreal. (1966), Eruptive Molluscum Contagiosum in Atopic Dermatitis Canad. Med. Ass. J. Nov. 5., vol. 95. tr. 978-979.

9. Mahajan BB, Pall A, Gupta RR. (2003), Topical 20% KOH- an effective therapeutic modality for moluscum contagiosum in children. Indian J Dermatol Venereol Leprol. Mar-Apr; 69(2), tr.175-7.

10. Pannell RS. Fleming DM, Cross KW. (2005), The incidence of molluscum contangiosum, scabies and lichen planus. Epidemiol. Infect, 133, tr. 985-991.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *