Bệnh Vảy phấn hồng Gibert (Pityriasis Rosea – PR)

Đại cương

Bệnh phấn hồng Gilbert (Pityriasis Rosea – PR) được Gibert mô tả đầu tiên năm 1860 nên còn được gọi là “bệnh vảy phấn hồng Gilbert”. Thương tổn có hai đặc điểm chính là đỏ và bong vảy. Bệnh da thường gặp, thấy ở khắp nơi trên thế giới, có tính chất cấp tính nhưng tự khỏi. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em và người lớn trẻ (từ 10-35 tuổi), hiếm gặp ở trẻ dưới 2 tuổi và người trên 65 tuổi, nữ nhiều hơn nam, mùa đông gặp nhiều hơn các mùa khác trong năm, hiếm thấy tái phát. Tỷ lệ người bị bệnh chiếm khoảng 0,16% dân.

Căn sinh bệnh học

Căn nguyên của bệnh không rõ. Kết quả của nhiều công trình nghiên cứu cho thấy có thể nguyên nhân gây bệnh PR là do nhiễm trùng (vi khuẩn, nấm, virus). Bởi vì, bệnh PR có những đặc điểm:

– Thương tổn cơ bản của PR biểu hiện giống ban do virus.

– Bệnh thường xảy ra vào các mùa khác nhau.

– Hiếm thấy PR tái phát. Điều đó gợi ý sau khi bị PR, người bệnh có thể miễn dịch suốt đời.

– Đặc điểm dịch tễ, bệnh xảy ra thường có tính chất khu trú ở một số khu vực cộng đồng dân cư.

– Nhiều bệnh nhân có biểu hiện giống cúm. Khởi phát bệnh thường thấy có liên quan đến viêm nhiễm đường hô hấp trên hoặc sử dụng một số thuốc.

Những nghiên cứu về sinh bệnh học mới đây, người ta thấy bệnh PR có liên quan đến hai týp virus là: HHV-7 và HHV-6. Hai týp virus này có mối quan hệ gần gũi với virus herpes. Virus HHV-7 và HHV-6 rất hay gặp. Ở Mỹ, người bị nhiễm HHV-6 vào lúc 3 tuổi chiếm khoảng 90% và nhiễm HHV-7 vào lúc 5 tuổi chiếm khoảng 90%. Không giống như virus herpes, HHV-7 và HHV-6 không trực tiếp gây tổn thương cho tế bào sừng. Người ta cho rằng các virus này tác động vào tế bào TCD4 trong máu, qua đó gây những biển đổi phức tạp hình thành bệnh PR.

Triệu chứng bệnh vảy phấn hồng Gibert

Lâm sàng điển hình

Xuất hiện khi tìm kiếm trên Google "Bệnh vảy phấn hồng"
Tổn thương kinh điển của bệnh Vảy phấn hồng

Theo kinh điển, bệnh vảy phấn hồng thường khởi phát là một thương tổn đơn độc ở thân mình, sau vài ngày đến vài tuần xuất hiện nhiều thương tổn nhỏ. Ngứa mức độ khác nhau: nặng chiếm 25%, trung bình chiếm 50% và không ngứa chiếm 25% trường hợp. Một số trường hợp có biểu hiện giống cúm: mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, chán ăn, sốt và đau khớp.

Tổn thương tiên phát

Thương tổn da

Đặc trưng bởi một mảng thương tổn tiên phát, xuất hiện riêng lẻ gọi là thương tổn “mẹ”, kích thước đường kính khoảng 2-4cm hoặc lớn hơn, gặp ở 50-90% trường hợp bệnh PR. Thương tổn này có màu thịt cá hồi, màu đỏ hoặc tăng sắc tố, hình tròn hay bầu dục, giới hạn rõ. Có vảy da mỏng ở phía trong bờ rìa thương tổn. Khi bị kích ứng, mảng thương tổn “mẹ” có thể thấy xuất hiện các sẩn mụn nước như chàm. Vị trí thường gặp ở thân mình, vùng được che phủ quần áo, đôi khi gặp ở cổ và gốc chi, hiếm gặp ở mặt và vùng sinh dục.

Vị trí và thời gian xuất hiện

Mảng tiên phát ở nam và nữ giới không khác nhau. Khoảng thời gian từ khi xuất hiện mảng thương tổn tiên phát đến khi xuất hiện các thương tổn thứ phát (thương tổn “con”) khác nhau từ 2 ngày đến 2 tháng. Những thương tổn thứ phát điển hình thường xảy ra trong vòng 2 tuần sau khi có thương tổn tiên phát. Thời gian các thương tổn thứ phát xuất hiện khoảng vài ngày, thường không quá 10 ngày. Đôi khi thấy thương tổn con tiếp tục xuất hiện sau vài tuần. Các thương tổn đều có xu hướng lành ở giữa, vảy da khô trắng mỏng viền xung quanh bờ.

Xuất hiện khi tìm kiếm trên Google "Bệnh vảy phấn hồng"
Những vị trí thường gặp của bệnh

Khi thương tổn phát triển đầy đủ sẽ có dấu hiệu đặc trưng về sự phân bố, có tính chất đối xứng. Vị trí thường lan tỏa nhưng nhiều nhất ở vùng thân mình, vùng không có ở vùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Đôi khi chỉ khu trú vào một số vùng nhất định như ở cổ, đùi, bẹn, nách. Tại vị trí này, các mảng thương tổn tập trung giao nhau, tạo thành bờ đa cung giống như nấm da . Có thể thấy thương tổn ở mi mắt.

Tổn thương thứ phát

Hai loại thương tổn thứ phát

Thứ nhất là mảng thương tổn nhỏ giống như thương tổn tiên phát thu nhỏ, sắp xếp thành hàng song song dọc theo trục của xương sườn giống như cây thông Noel. Dạng thứ hai là các sẩn nhỏ, màu đỏ, thường không có vảy, số lượng và kích thước tăng dần. Cả hai loại thương tổn có thể cùng tồn tại.

Xuất hiện khi tìm kiếm trên Google "Bệnh vảy phấn hồng"
Tổn thương sẩn đỏ ít hoặc không có vảy

Khoảng 20% bệnh nhân có hình ảnh lâm sàng không điển hình như mô tả cổ điển, có thể không thấy thương tổn tiên phát hoặc có hai hay nhiều thương tổn. Một số trường hợp trẻ em có thể thấy thương tổn thứ phát ở mặt. Thể khu trú có thể thấy thương tổn ở một vị trí nào đó của cơ thể như ở da đầu, nách hay vùng bẹn sinh dục. Những hình thái thương tổn thứ phát không điển hình gây khó khăn cho việc chẩn đoán như: không thấy vảy da, sẩn nang lông, thương tổn giống vảy nến, giống eczema hoặc thương tổn “con”.

Thể xuất huyết

Có các chấm xuất huyết, bầm máu dọc theo nếp lằn ở nách, thân mình, gốc chi.

Niêm mạc miệng, sinh dục đôi khi cũng có thương tổn. Chúng thường là các dát đỏ, bờ gờ cao, lành ở giữa hoặc giống như loét apthose, không đau nên thường bị bỏ qua, thoái triển cùng với thương tổn ở da.

Vị trí đảo ngược

Có thể thấy thương tổn như ở mặt, bụng dưới, phần xa của chi, thậm chí ở cả lòng bàn tay.

Bệnh thường khác nhau về cách khởi phát, tiến triển và biểu hiện lâm sàng, tự khỏi sau 3-8 tuần, một số trường hợp sớm hơn chỉ sau 1-2 tuần hoặc muộn hơn phải sau trên 2 tháng, hiếm khi thấy tái phát.

Những hình thái không điển hình

Hình thái theo vị trí: thương tổn tiên phát có thể không có hoặc xuất hiện ở những vị trí không điển hình như ở da đầu, mặt, lòng bàn tay, mu bàn chân, vùng sinh dục. Thương tổn thứ phát có thể rải rác toàn thân, lan tỏa hoặc khu trú ở vùng đầu cổ, bện đùi, quanh hố nách.

Hình thái theo loại hình thương tổn: mụn mủ, sẩn mày đay, dạng lichen, dạng sẩn nang lông, mụn nước.

Hình thái theo tiến triển: đôi khi PR chỉ có thương tổn tiên phát. Người ta cũng thấy có trường hợp thương tổn thứ phát xuất hiện đồng thời, hoặc chỉ sau vài giờ. Cũng có thể xuất hiện rất lâu (vài tháng) sau khi xuất hiện thương tổn tiên phát.

Hình thái biến chứng: chàm hóa hoặc chốc hóa là biến chứng có thể gặp do bệnh nhân ngứa gãi.

Hình thái liên quan cơ địa: ở người châu Phi có hạch ngoại biên sưng to. Ở phụ nữ có thai, bệnh không ảnh hưởng đến thai nhi.

Tiến triển và tiên lượng bệnh vảy phấn hồng Gibert

Hầu hết bệnh nhân bị bệnh PR khỏi hoàn toàn trong thời gian từ 4 đến 10 tuần. Sau khi khỏi bệnh thường không để lại dấu vết gì. Đôi khi có thể để lại dát tăng hoặc giảm sắc tố nhẹ. Cũng như với các bệnh da khác, ở những người da sẫm màu bị PR, khi khỏi bệnh thường để lại dát tăng sắc tố.

Xét nghiệm

Mô bệnh học không đặc hiệu: á sừng lan tỏa hoặc thành từng ổ, mất lớp hạt, tăng nhẹ lớp gai, có các ổ xốp bào, rải rác các tế bào dị sừng và bạch cầu ái toan. Xung quanh mạch máu và trung bì nông thâm nhiễm bạch cầu lympho, mô bào và có những đám hồng cầu thoát mạch. Các thương tổn tiên phát và thứ phát đều có chung hình ảnh mô bệnh học. Thương tổn muộn, hình ảnh mô bệnh học khó phân biệt với vảy nến hay lichen phẳng.

Kết quả xét nghiệm sinh hóa máu, huyết học ít thấy thay đổi.

Chẩn đoán bệnh vảy phấn hồng Gibert

Chẩn đoán xác định

Dựa vào lâm sàng: thương tổn “mẹ”, màu sắc, hình thái, phân bố của các thương tổn “con”.

Chẩn đoán phân biệt

– Dị ứng thuốc: tiền sử dùng thuốc.

– Giang mai II; sẩn chắc, ít vảy, hay gặp thương tổn ở lòng bàn tay, bàn chân. Xét nghiệm huyết thanh giang mai dương tính.

Á vảy nến thể giọt hay vảy phấn dạng lichen mạn tính: tiến triển kéo dài. Thương tổn nhỏ hơn, vảy da dày hơn. Không có thương tổn tiên phát.

– Vảy nến thể giọt: thương tổn nhỏ, vảy da dày hơn và không mịn. Sinh thiết giúp chẩn đoán xác định.

– Chàm thể đồng tiền: mảng thương tổn thường hình tròn, không có viền vảy. Có thể thấy mụn nước nhỏ li ti. Sinh thiết thương tổn để chẩn đoán xác định.

– Nấm da: mụn nước, vảy da ở rìa thương tổn; cạo vảy da, nhỏ KOH 20%, soi tươi tìm thấy sợi nấm.

Điều trị

Bệnh PR tự thoái lui, không cần thiết điều trị với những trường hợp không có biến chứng.

Đối với tất cả bệnh nhân cần được tư vấn để hiểu biết về bệnh và không nên hoang mang lo lắng.

Chống ngứa bằng corticoid trung bình hay nhẹ dùng tại chỗ. Hoặc Kháng histamin. Không dùng corticoid toàn thân vì có thể làm bệnh nặng thêm.

Giai đoạn sớm của bệnh và những bệnh nhân có thương tổn lan tỏa:

Dùng acyclovir 800mg x 51ần/ngày x 1 tuần giúp bệnh nhanh khỏi.

Quang trị liệu (UVB) x 5-10 ngày có tác dụng giảm ngứa ở một số trường hợp. Nhưng thường để lại dát tăng sắc tố.

Tài liệu tham khảo

1.Dermatologỉe, 1990, Degos R, Flammarion.

2.Dermatology in general medicine, 2008, Fitzpatrick, McGraw- Hill.

3.Clinical Dermatology, 2010, Thomas p. Habif, MD, Mosby.

4.Textbook of Dermatology, 1992, Rook, Wilkinson, Ebling, Blackwell Scientific Publications, London

5.Thérapeutique Dermatologique, 2008, Dubetret, Médecine-Sciences Flammarion.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *