Bệnh ghẻ (Scabies)

Bệnh ghẻ là bệnh do ký sinh trùng ghẻ gây ra. Tổn thương thường gặp là mụn nước, sẩn đỏ ở kẽ ngón, vùng da non như bụng, đùi và ngứa nhiều về đêm. Bệnh có tính chất lây lan.

Đại cương về bệnh ghẻ

– Đường lây truyền: thường lây qua tiếp xúc với da bị bệnh hoặc qua tiếp xúc với vật mang ký sinh trùng như quần áo, đồ dùng và đồ nội thất. Bệnh ghẻ tuy không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, nhưng nếu không được điều trị chu đáo bệnh sẽ gây ra các biến chứng như: nhiễm trùng, chàm hoá, viêm cầu thận cấp…

– Biểu hiện da do quá nhạy cảm với ghẻ.

+ Ngứa dai dẳng trên diện rộng

+ Tổn thương xảy ra ở những vùng bị nhiễm ghẻ.

+ Thường thấy các mụn nước ở vùng da mỏng, các hang ghẻ dưới lớp sừng, các tổn thương sẩn ghẻ, viêm da dạng chàm hoá và có thể tìm thấy ký sinh trùng ghẻ.

+ Tổn thương thứ phát do chà xát và gãi lâu ngày.

+ Nhiễm trùng thứ phát.

Bác sĩ có thể dễ dàng bỏ qua chẩn đoán ghẻ. Vì thế cần phải thận trọng với trường hợp bệnh nhân có biểu hiện ngứa nhiều, dai dẳng trên diện rộng ở bất kỳ lứa tuổi nào.

– Biểu hiện nặng: ghẻ Na Uy hoặc ghẻ vảy (ghẻ sừng hoá).

Dịch tễ và căn nguyên bệnh học của bệnh ghẻ

Tác nhân gây bệnh ghẻ

S. scabiei hominis. phát triển và sinh sản duy nhất trên da người, tức là ký sinh trùng bắt buộc của con người.

Ở tất cả các giai đoạn phát triển, ghẻ đào hang vào lớp thượng bì ngay sau khi tiếp xúc, không đào sâu hơn lớp gai; và để lại phân trong các đường hầm đó.

Căn sinh bệnh của bệnh ghẻ
Căn sinh bệnh của bệnh ghẻ

Cái ghẻ hình bầu dục, kích thước khoảng 0,3-0,35mm đường kính (mắt thường rất khó thấy, như một điểm trắng di động), có 8 chân, 2 đôi chân trước có ống giác, 2 đôi chân sau có lông tơ, lưng có gai xiên về phía sau, đầu có vòi để hút thức ăn đồng thời để đào hầm vào lớp thượng bì. Chu kỳ toàn bộ cuộc sống cái ghẻ kéo dài 30 ngày nếu cư trú ở thượng bì.

Ghẻ cái sống từ 4-6 tuần; đẻ 40-50 trứng. Mỗi ngày chúng đẻ 1-5 quả trứng trong hang ghẻ. Sau 3-7 ngày trứng nở thành ấu trùng. Ấu trùng lột xác nhiều lần trở thành cái ghẻ trưởng thành. Chúng thường đào hang vào buổi tối, đẻ trứng vào ban ngày. Ấu trùng di chuyển lên đến mặt da và phát triển thành ghẻ trưởng thành. Tiếp theo ghẻ cái và ghẻ đực giao phối với nhau. Sau đó ghẻ cái tiếp tục đào hầm dưới lớp sừng, ghẻ đực không gây bệnh vì chết sau khi giao hợp và bị rớt khỏi da.

Mức độ nhiễm ký sinh trùng

+ Bệnh ghẻ cổ điển: Mỗi bệnh nhân có hàng chục ghẻ cái.

+ Ghẻ Na Uy hoặc ghẻ vảy hoặc ghẻ sừng hoá: có thể có hơn 1 triệu con ghẻ trên người bệnh hoặc tỷ lệ là 4.700 con/gram da.

Tỷ lệ mắc:

Ước tính 300 triệu ca/năm trên toàn thế giới. Trong quá khứ, dịch bệnh xảy ra trong chu kỳ mỗi 15 năm. Đợt dịch mới nhất bắt đầu vào cuối thập kỷ 60.

Tuổi khởi phát

Trẻ em (thường < 5 tuổi), sẩn ghẻ hay gặp hơn ở trẻ em.

Thanh niên (thường lây nhiễm qua tiếp xúc cơ thể).

Bệnh nhân già hoặc nằm liệt giường. Có thể liên quan đến chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện, các thiết bị chăm sóc sức khỏe dùng chung, nhà điều dưỡng.

Dịch tễ học bệnh ghẻ

Là vấn đề y tế công cộng lớn ở nhiều nước kém phát triển hơn.

Trong một số khu vực của miền Trung và Nam Mỹ, sự lưu hành của bệnh là 100%.

Ở Bangladesh, số lượng trẻ em bị ghẻ nhiều hơn số trẻ em bị tiêu chảy và bệnh về đường hô hấp.

Ở những nước mà có bệnh bạch cầu tế bào T/bệnh nhiễm virus lymphoma (human T cell leukemia/lymphoma virus – HTLV-I) ở người phổ biến, ghẻ vảy trên diện rộng là dấu hiệu của bệnh lây nhiễm này, kể cả trường hợp bệnh bạch cầu tế bào T trưởng thành/bệnh lymphoma.

Bệnh ghẻ là một bệnh da khá phổ biến ở nước ta.

Đường lây truyền của bệnh ghẻ

Tiếp xúc trực tiếp da với nhau: ghẻ truyền qua sự tiếp xúc da với da như trẻ con chơi đùa với nhau hoặc nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân. Bệnh cũng lây qua tiếp xúc da-da khi quan hệ tình dục nên hiện nay nó cũng được xếp vào nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Tác nhân truyền bệnh: ghẻ có thể sống hơn 2 ngày trên quần áo hoặc trên giường chiếu, chăn ga. Do đó, người bình thường cũng có thể bị ghẻ khi không có sự tiếp xúc trực tiếp với da người bị bệnh ghẻ.

Với bệnh nhân bị ghẻ vảy, hàng ngày ghẻ thường rơi ra rất nhiều vào môi trường, gây ra nguy cơ cao lây nhiễm cho những người xung quanh, bao gồm cả các nhân viên y tế.

Các yếu tố nguy cơ

– Ở các nước phát triển: yếu tố nguy cơ nằm trong nhà điều dưỡng, các yếu tố rủi ro bao gồm số năm của trung tâm (> 30 năm), kích thước của trung tâm (> 120 giường), tỷ lệ giường trên nhân viên y tế (> 10:1).

– Ở Việt Nam: bệnh thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt.

Bệnh sinh của bệnh ghẻ

Sự quá mẫn cảm xảy ra tức thì và sau khi xuất hiện của các thương tổn khác ngoài những thương tổn do đào hang gây ra. Sự nhiễm ký sinh gây bệnh thường xảy ra khi nhiễm khoảng 10 con ghẻ.

Biểu hiện nhiễm đầu tiên: ngứa xảy ra khi xuất hiện sự nhạy cảm với S.scabiei. Trong số những người bị nhiễm lần đầu, sự nhạy cảm này thường mất vài tuần để hình thành.

Tái nhiễm ký sinh: sau khi bị tái nhiễm ký sinh, ngứa có thể xảy ra trong vòng 24 giờ.

Người suy giảm miễn dịch: nhiều trường hợp suy giảm miễn dịch hoặc người bị bệnh hệ thần kinh thường bị bệnh ghẻ vảy hoặc ghẻ sừng hoá. Số lượng ghẻ bị nhiễm có thể nhiều hơn 1 triệu.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh ghẻ

Bệnh nhân thường nhận biết được các triệu chứng tương tự như ở các thành viên khác trong gia đình hoặc ở bạn tình.

Thời gian của tổn thương: tồn tại hàng tuần đến hàng tháng, trừ khi được điều trị. Ghẻ vảy có thể kéo dài trong nhiều năm

Thời kỳ ủ bệnh: phụ thuộc vào khả năng miễn dịch với ghẻ ở từng người khác nhau.

+ Nhiễm ghẻ lần đầu, khoảng 21 ngày

+ Tái nhiễm ghẻ, ngay lập tức, thường là từ 1-3 ngày.

Triệu chứng bệnh ghẻ

Triệu chứng cơ năng của bệnh ghẻ:

+ Ngứa dữ dội, trên diện rộng, thường ít khi bị ở cổ và đầu.

Ngứa thường làm ảnh hưởng đến giấc ngủ hoặc gây khó ngủ.

Thường xuất hiện giống với các thành viên khác trong gia đình.

Một nửa số bệnh nhân bị ghẻ vảy không bị ngứa.

+ Phát ban:

Từ không bị phát ban đến chứng đỏ da diện rộng.

Bệnh nhân thường biểu hiện chà xát ở người có cơ địa dị ứng, viêm da dạng chàm hoá.

Một số người bị ngứa nhiều tháng không có phát ban.

Sự chăm sóc tổn thương không tốt dẫn đến nhiễm khuẩn thứ phát (bội nhiễm).

Triệu chứng toàn thân của bệnh ghẻ:

Thường không có triệu chứng gì đặc biệt.

Viêm hạch bạch huyết được phát hiện ở một số trường hợp.

Tổn thương tại những nơi bị nhiễm ghẻ

Mụn nước

Tổn thương kẽ ngón tay ở bệnh nhân ghẻ

Xuất hiện trên nền da lành, sắp xếp rải rác, riêng rẽ từng cái một. Mụn nước thường ở vùng da mỏng như ở kẽ ngón tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục.

Ở trẻ sơ sinh, mụn nước ở lòng bàn tay, chân, ở qui đầu. ở vùng sinh dục thương tổn thường tròn đường kính, 5-7 mm ở giữa trợt da khá đặc biệt được gọi là săng ghẻ, dễ nhầm với săng giang mai.

Các đường lằn da (luống ghẻ)

Đường lằn này có màu da hoặc màu xám, dài 0,5-1 cm có thể theo đường thẳng hoặc lượn sóng, có mụn nước hoặc sẩn nhỏ ở cuối đường hầm.

Mỗi ghẻ cái thường đào một hang ghẻ dài khoảng 0,5mm. Hang ghẻ thường dài 5mm nhưng có thể lên đến 10 cm.

Các đường lằn da
Đường lằn da

Ở những người da trắng, hang có màu trắng với lác đác đốm đen (do ghẻ thải phân trong đó).

Có thể bôi mực bút máy vào những vùng da bị nhiễm ký sinh để làm nổi bật và đánh dấu hang. Đầu hang là nơi cư trú của ghẻ, thường cao hơn một chút và có một quầng ban đỏ nhỏ hoặc trông như mụn nước. Lấy kim chích dịch chảy ra, để lọ màu xám hoặc đen, dùng kim khêu sẽ bắt được cái ghẻ bám trên đầu kim, di động khi đặt lên mặt kính (mắt thường nhiều khi khó nhìn, có thể nhìn rõ hơn qua kính “lúp” hoặc kính hiển vi).

Phân bố: những khu vực có ít hoặc không có lông, thường là nơi lớp sừng mỏng và mềm, tức là, kẽ giữa hai ngón tay > cổ tay > thân dương vật > mặt trước khuỷu tay > chân > bộ phận sinh dục > mông > nách > ở nơi khác. Ở trẻ sơ sinh, sự nhiễm ký sinh thường xuất hiện trên đầu và cổ.

Sẩn ghẻ

Sẩn cục hay sẩn huyết thanh. Các nốt sần hoặc sẩn viêm. Hang ghẻ đôi khi được phát hiện trên bề mặt của tổn thương rất sớm.

Tổn thương dạng sẩn xuất hiện ở 7-10% bệnh nhân bị ghẻ.

Sẩn có đường kính 5-20 mm, màu đỏ, hồng, nâu vàng màu rám nắng, hoặc màu nâu, mịn. Thay đổi với hiện tượng tăng sắc tố sau viêm nhiễm. Có thể rõ hơn sau điều trị, giống như phát ban dạng eczema. Hay gặp ở lưng trên, cạnh bên của bàn chân. Số lượng nốt thường đếm được ở trẻ sơ sinh.

Ghẻ tăng sừng hoá/Ghẻ vảy dạng vảy nến hay Ghẻ Na Uy (Norwegian Scabies)

Những tác nhân trước phơi nhiễm

Điều trị bằng glucocorticoid dài ngày, suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, nhiễm HTLV-1, người được ghép tạng, dùng các thuốc ức chế miễn dịch, suy dinh dưỡng, người già…). Người có ghẻ vảy thường bị hoặc có rối loạn hệ thần kinh như hội chứng Down, bệnh mất trí nhớ, đột quỵ, tổn thương tủy sống, bệnh thần kinh, bệnh phong…

Có thể khởi phát như ghẻ bình thường.

Ở các trường hợp khác, biểu hiện lâm sàng là eczema mạn tính, viêm da dạng vảy nến, viêm da tiết bã hoặc chứng đỏ có vảy. Tổn thương thường xuất hiện ở dạng sừng hoá và/hoặc đóng vảy.

Thương tổn cơ bản

Là các lớp vảy chồng lên nhau và lan tỏa gần như toàn thân (vì vậy còn gọi là ghẻ vảy: crusted scabies) có thể tìm thấy hàng nghìn cái ghẻ trong các vây nhỏ này.

Tại các khu vực bị nhiễm ghẻ vảy nặng, các mảng có ranh giới rõ được bao phủ bởi một lớp vảy rất dày.

Ghẻ tăng sừng hoá/ Ghẻ vảy dạng vảy nến hay Ghẻ Na Uy
Ghẻ tăng sừng hoá/ Ghẻ vảy dạng vảy nến hay Ghẻ Na Uy

Ở tay/chân gây nên bệnh da dạng hạt cơm, với giường móng tăng sừng.

Phản ứng ban đỏ có vảy xuất hiện trên mặt, cổ, da đầu, thân mình.

Sự phân bố:

Phân bố toàn thể (thậm chí ở đầu và cổ ở người lớn) hoặc phân bố cục bộ từng vùng chủ yếu ở các khu vực hăm (vùng nếp kẽ…). Lớp vảy da/vảy tiết được tìm thấy trên mặt duỗi bàn tay, cổ tay, ngón tay, khớp bàn ngón tay, lòng bàn tay, mặt duỗi của khuỷu tay, da đầu, tai, lòng bàn chân và ngón chân. Ở những bệnh nhân thần kinh yếu, ghẻ vảy có thể chỉ xảy ra ở chi bị tổn thương. Hoặc có thể chỉ khu trú ở da đầu, mặt, ngón tay, rìa móng chân hay gan bàn chân.

Tổn thương không điển hình: mụn nước, mụn mủ, nốt; trên diện rộng; tổn thương tập trung vào bàn tay/bàn chân/những nếp gấp trên cơ thể.

Đầu, lòng bàn tay, lòng bàn chân cũng bị. Khó khăn để phân biệt với vảy nến mụn mủ đầu chi ở trẻ sơ sinh, đó có thể là một phản ứng không đặc hiệu sau khi bị ghẻ.

Bệnh ghẻ ở người cao tuổi

Phản ứng viêm bị thay đổi có thể làm chậm chẩn đoán.

Với những bệnh nhân nằm liệt giường, tổn thương có thể tập trung ở phần lưng.

Ghẻ bọng nước có thể có dạng giống pemphigoid bọng nước.

Biểu hiện ở người quá mẫn cảm với ghẻ

– Ngứa: một số người bị ngứa mà không có các biểu hiện về da.

– Phản ứng mẫn cảm: đặc trưng bởi sự xuất hiện các sẩn phù nhỏ mày đay trên diện rộng, chủ yếu tập trung vào mặt trước thân, đùi, mông và cánh tay.

– Mề đay: thường xuất hiện ở diện rộng.

– Viêm da dạng chàm: xuất hiện ở những vị trí bị nhiễm ghẻ nặng nhất như bàn tay, nách.

Tổn thương thứ cấp do gãi và chà xát mạn tính của bệnh ghẻ

– Trầy da, viêm da thần kinh, sẩn ngứa.

– Viêm da dạng chàm trên diện rộng.

– Tổn thương dạng vảy nến.

– Chứng đỏ da.

– Tăng hoặc giảm nhiễm sắc tố sau khi bị viêm.

Biến chứng của bệnh ghẻ

Chàm hoá

Bệnh nhân bị ngứa, gãi chàm hoá. Ngoài các thương tổn ghẻ còn có các mụn nước tập trung thành đám. Hay gặp ở người có cơ địa dị ứng, chàm xảy ra ở những khu vực bị trầy da, hay gặp nhất ở bàn tay, kẽ ngón tay, cổ tay, nách, quầng vú, thắt lưng, mông, dương vật và bìu. Ở người lớn, da đầu, mặt và lưng thường không bị; nhưng ở trẻ nhỏ, da đầu, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân đều có thể bị.

Bội nhiễm

Tác nhân gây bệnh: S. aureus: S. aureus nhạy cảm methicillin (MSSA) và S. aureus kháng Methicillin (MRSA); nhiễm trùng GAS (group A streptococcal).

Các mụn nước xen kẽ các mụn mủ, có thể phù nề. Có thể biểu hiện chốc (bong vảy da, vảy tiết, ban đỏ nhạy cảm xung quanh), chốc loét, viêm nang lông, tạo thành áp xe; viêm mạch bạch huyết, viêm hạch; viêm mô bào; nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng huyết.

MRSA là nguyên nhân chính gây nhiễm trùng thứ phát ở những người bị ghẻ.

Lichen hoá

Do ngứa nên bệnh nhân gãi nhiều, da dày, có màu thâm.

Viêm cầu thận cấp

Có thể gặp ở những cháu bé bị ghẻ bội nhiễm và không được điều trị, hoặc điều trị không khỏi tái đi tái lại nhiều lần.

Viêm cầu thận cấp tính sau nhiễm liên cầu được báo cáo có liên quan đến chốc hóa do liên cầu.

Chẩn đoán bệnh ghẻ

Chẩn đoán xác định bệnh ghẻ

Chẩn đoán xác định ghẻ dựa vào các đặc điểm sau

Thương tổn cơ bản: mụn nước rải rác, trên da lành và khú trú ở những vị trí đặc hiệu: kẽ ngón tay, sinh dục, mặt trong đùi, bụng (ở các vùng da mỏng), đối với trẻ nhỏ có thể thấy mụn nước ở lòng bàn chân, bàn tay.

Cơ năng: ngứa nhiều về đêm.

Có tính chất dịch tễ: trong gia đình, tập thể, vườn trẻ nhiều người cùng bị bệnh ghẻ.

Tìm thấy luống ghẻ, khêu được cái ghẻ là chính xác nhất.

Các triệu chứng lâm sàng đủ để chẩn đoán, nếu có thể, khám bằng kính hiển vi (xác định ghẻ, trứng, hoặc phân ghẻ). Đôi khi bệnh ghẻ không thể xác định được, điều trị thử sẽ giúp xác định chẩn đoán.

Chẩn đoán phân biệt

Sẩn ghẻ: Mày đay sắc tố (ở trẻ nhỏ), sẩn mày đay (côn trùng cắn), bệnh Darier, sẩn ngứa, giang mai II, viêm hạch lympho giả u, u bạch huyết dạng san, viêm mạch.

Sẩn ngứa: do ký sinh trùng súc vật (chó, mèo, bò, ngựa, lạc đà). Bệnh xuất hiện ở công nhân chăn nuôi, thương tổn ở vùng da hở, chóng khỏi nếu không tái nhiễm, không lây sang người khác.

Tổ đỉa: tổn thương là mụn nước nằm cạnh bên rìa ngón tay, ở mô cái, mô út và mụn nước nằm sâu, gắn chặt vào thượng bì.

Săng giang mai: là trợt nông, nhưng không ngứa và thường kèm theo chùm hạch tương ứng với săng và săng có 8 tính chất đặc biệt. Có tiền sử quan hệ tình dục không an toàn.

– Ngứa, phát ban khu trú hoặc lan tỏa: phản ứng nghiêm trọng của thuốc trên da, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, viêm da sợi thủy tinh, viêm da do rối loạn bài tiết mồ hôi, chứng da vẽ nổi, mề đay vật lý, bệnh vảy phấn hồng, viêm da dạng herpes, ghẻ động vật, nhiễm rận, bệnh rận mu, liken phẳng, ảo giác về nhiễm ký sinh trùng, sẩn ngứa do rối loạn chuyển hoá.

Bệnh viêm da mủ: chốc, chốc loét, bệnh nhọt.

Ghẻ vảy: cần chẩn đoán phân biệt với vẩy nến, viêm da dạng chàm, viêm da tiết bã, chứng đỏ da có vảy, viêm mô bào tế bào Langerhans.

Cận lâm sàng bệnh ghẻ

Soi kính hiển vi

+ Tìm ký sinh trùng: có giá trị cao nhất xác định ghẻ là soi tìm ở các hang ghẻ điển hình trên kẽ ngón tay, vùng gấp cổ tay, và dương vật. Nhỏ giọt dầu khoáng lên vùng bao phủ hang ghẻ và dùng lưỡi dao số 15 cạo lấy vảy da rồi đặt trên một lam kính.

+ Kính hiển vi thông thường: nhỏ một giọt dầu khoáng lên trên mảng da được cạo ra, sau đó phủ một phiến kính mỏng lên. Chẩn đoán là bệnh ghẻ nếu thấy 3 phát hiện sau: trứng ghẻ, cái ghẻ, và phân của chúng (hòn phân).

+ Soi da Dermoscopy: hình ảnh đặc trưng của bệnh ghẻ, hình ảnh như “vệt khói máy bay”.

Giải phẫu bệnh

+ Hang ghẻ: nằm trong lớp sừng; cái ghẻ nằm ở cuối hang. Thân tròn, dài 400 pm. Mụn nước xuất hiện gần cái ghẻ. Trứng cũng được nhìn thấy. Hạ bì bị xâm nhập bởi bạch cầu ái toan.

+ Sẩn ghẻ: thâm nhiễm viêm mạn tính dày đặc bạch cầu ái toan. Trong một số trường hợp, phản ứng với ghẻ dai dẳng như u lympho tế bào đơn nhân không điển hình.

+ Bệnh ghẻ vảy: lớp sừng dày bị làm thủng bởi vô số cái ghẻ

Huyết học: tăng bạch cầu ái toan trong ghẻ vảy.

– Nuôi cấy: tụ cầu vàng và GAS là nguyên nhân gây nhiễm trùng thứ phát.

Tiên lượng bệnh ghẻ

Ngứa

Thường vẫn tồn tại đến vài tuần sau khi loại bỏ thành công ghẻ, ngứa ở đây có thể hiểu như là một hiện tượng cơ thể nhạy cảm phản ứng lại với ghẻ.

Nếu sự tái nhiễm xảy ra, triệu chứng ngứa xảy đến trong vòng một vài ngày.

Hầu hết các trường hợp bệnh được giải quyết theo phác đồ điều trị được khuyến cáo

Biến chứng viêm cầu thận xảy ra sau nhiễm trùng GAS (liên cầu nhóm A) thứ phát.

Nhiễm khuẩn huyết và tử vong sẽ xảy ra sau bội nhiễm tụ cầu vàng thử phát ở ghẻ vảy đối với bệnh nhân HIV/AIDS.

Ảo giác về ký sinh trùng ghẻ có thể xảy ra ở các cá nhân đã được điều trị bệnh ghẻ thành công hoặc chưa bao giờ bị ghẻ.

– Bệnh ghẻ vảy: có thể ghẻ không thể bị loại trừ trong những trường hợp bệnh nhân HIV/AIDS không được điều trị. Tái phát nhiều hay xảy ra hơn sự tái nhiễm.

– Sẩn ghẻ: 80% số bệnh nhân được điều trị khỏi trong vòng 3 tháng nhưng có thể kéo dài lên đến 1 năm.

Điều trị bệnh ghẻ

Nguyên tắc điều trị ghẻ

Bệnh nhân và những người tiếp xúc gần bệnh nhân cần được điều trị cùng một lúc, dù triệu chứng có xuất hiện hay không.

Giặt, phơi, nấu, là quần áo (là mặt trái), chăn đệm, màn, đồ dùng.

Bôi thuốc có hiệu quả hơn sau khi làm sạch da. Ví dụ: sau khi tắm rửa

Bôi vào tất cả các vị trí của da, đặc biệt là ở bẹn, xung quanh móng tay, sau tai, bao gồm cả mặt và da đầu.

Bạn tình và những người gần gũi nhau hoặc toàn bộ người trong gia đình có tiếp xúc trong vòng một tháng cũng cần được khám sàng lọc và điều trị dự phòng.

Thuốc điều trị bệnh ghẻ

– Việc lựa chọn cách điều trị ghẻ dựa trên hiệu quả, nguy cơ nhiễm độc, chi phí, mức độ eczema hóa thứ phát, và tuổi của bệnh nhân.

Permethrin là thuốc chữa ghẻ hiệu quả và an toàn nhưng giá thành đắt hơn lindane.

Lindane là thuốc chữa ghẻ hiệu quả trên toàn thế giới nhưng đã có trường hợp kháng thuốc đã được ghi nhận. Hiện tượng co giật đã xảy ra khi lindane được dùng sau khi tắm hoặc sử dụng cho bệnh nhân có vùng da bị viêm da trên diện rộng. Việc thiếu máu bất sản sau khi sử dụng lindane cũng đã được báo cáo.

Không có nghiên cứu nào chỉ ra rằng sử dụng cả 2 loại thuốc là tốt hơn một loại.

– Sau khi dùng thuốc, bệnh nhân cần phải mặc quần áo đã được giặt sạch. Quần áo và chăn màn cần được khử trùng ở 60°C.

– Ngứa có thể kéo dài từ 1-2 tuần sau khi kết thúc quá trình điều trị hiệu quả. Sau thời điểm đó, nguyên nhân khiến ngứa vẫn xuất hiện cần được xem xét lại.

Cách điều trị bệnh ghẻ được khuyến nghị

Permethrin 5% cream: thoa kem đến tất cả các vùng của cơ thể từ cổ trở xuống. Sau 8-12 giờ tắm rửa thay quần áo. Các tác dụng phụ rất thấp.

Lindane (Benzen hexaclorua) 1% Lotion hoặc Cream: Thoa lớp kem mỏng lên tất cả các vùng của cơ thể từ cổ trở xuống; rửa sạch kỹ sau 8 tiếng. Lưu ý: Lindane không nên được sử dụng sau khi tắm, và nó không nên được sử dụng trên những bệnh nhân bị tổn thương da rộng, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, và trẻ em dưới 2 tuổi. Ghẻ kháng thuốc lindane đã xuất hiện ở Bắc, Trung và Nam Mỹ và châu Á. Giá thành thấp giúp lindane vẫn là lựa chọn chính để điều trị ghẻ ở nhiều nước.

Chế độ điều trị thay thế

Dung dịch DEP (Diethyl – phtalat) bôi lên tổn thương mụn nước tối trước khi ngủ.

Crotamiton 10% Cream. Thoa lớp kem mỏng lên toàn bộ cơ thể từ cổ xuống, bôi liên tiếp 2 đêm, tắm rửa sạch sau 24 tiếng sau khi bôi lần 2.

Sulfur 2-10% in Petrolatum. Bôi lên da từ 2 đến 3 ngày

Benzyl Benzoate 10% và 25% Lotions. Nhiều cách điều trị được khuyến cáo, đó là: bôi chỉ một lần; hai lần bôi cách nhau 10 phút, hoặc hai lần bôi cách nhau 24 tiếng hoặc 1 tuần. Sau 24h bôi thuốc, cần tắm rửa sạch và thay mới quần áo và chăn màn. Hợp chất này là một chất kích thích và có thể gây viêm da kích ứng ngứa, đặc biệt là trên mặt và cơ quan sinh dục.

Benzyl Benzoate kết hợp với Sulfiram. Nhiều cách điều trị được khuyến cáo, bôi chỉ một lần

+ Esdepallethrine 0,63%

+ Malathion 0,5% Lotion

Sulfiram 25%) Lotion. Có thể tác dụng tương tự như thuốc chữa chứng nghiện rượu; không được uống đồ uống có cồn trong ít nhất 48 giờ.

– Ivermectin 0,8% Lotion.

Lá cây ba chạc đen đun tắm, hay sát.

Dầu hạt máu chó.

Ivermectin đường dùng toàn thân

Ivermectin, uống 200 pg/kg; chỉ sử dụng liều duy nhất đã đem lại hiệu quả rất tốt cho ghẻ thường cũng như ghẻ vảy sau 15-30 ngày. Hai đến ba liều, cách nhau 1-2 tuần, thường được chỉ định cho các bệnh nhân bị nhiễm ghẻ nặng hay bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Có thể loại bỏ hiệu quả dịch ghẻ ở cộng đồng hoặc tại một cơ sở như nhà dưỡng lão, bệnh viện, và các trại tị nạn. Chưa được chấp thuận bởi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ và cơ quan quản lý Dược phẩm châu  u. về mặt cấu trúc tương tự như nhóm kháng sinh macrolid.

Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và cho con bú

Điều trị bằng Permethrin hay crotamiton hoặc thuốc mỡ lưu huỳnh kết tủa nên được dùng để bôi cho tất cả các vùng cơ thể. Lindane và ivermectin không nên được sử dụng.

Ghẻ vảy

Cách điều trị

+ Ngâm, tắm toàn thân sau đó bôi mỡ Salicylic để bong sừng rồi bôi thuốc ghẻ.

+ Lindane không nên được sử dụng vì nguy cơ nhiễm độc thần kinh trung ương.

+ Bôi thuốc trị ghẻ nhiều lần lên da

+ Việc điều trị cũng cần kết hợp với loại bỏ lớp vảy da bảo vệ ghẻ khỏi thuốc điều trị; móng tay nên được cắt gọn.

+ Ivermectin đường uống kết hợp với liệu pháp bôi thuốc là phương pháp hiệu quả nhất.

+ Kiểm soát lây nhiễm là điều cần thiết và bao gồm: cách ly bệnh nhân, tránh tiếp xúc da với da, sử dụng găng tay/áo choàng cho nhân viên, điều trị dự phòng đối với những người đã tiếp xúc với bệnh nhân (toàn bộ người trong cơ sở và người đến thăm hoặc các thành viên gia đình).

— Khử trùng môi trường: chăn màn, quần áo và khăn tắm nên được khử trùng (dùng máy giặt hoặc máy sấy khô bằng quá trình nhiệt hoặc giặt khô) hoặc tránh xa tiếp xúc lên cơ thể ít nhất 72 giờ. Làm sạch triệt để phòng hoặc nơi ở của bệnh nhân.

Điều trị viêm da dạng chàm hoá

Kháng histamin: dùng thuốc kháng histamin an thần như hydrochloride hydroxyzine, doxepin, hoặc diphenhydramine khi đi ngủ.

Thuốc mỡ glucocorticoid: bôi lên các khu vực của tổn thương viêm da diện rộng liên quan với ghẻ.

Thuốc glucocorticoid toàn thân: prednison 70 mg, giảm dần trong vòng 1-2 tuần, giảm triệu chứng phản ứng mẫn cảm nặng của cơ thể với bệnh

Ngứa sau điều trị bệnh ghẻ

Ngứa trên diện rộng vẫn tồn tại một tuần hoặc nhiều hơn hầu như chắc chắn do quá mẫn cảm với xác ghẻ chết và các sản phẩm còn lại của chúng. Đối với trường hợp nặng, ngứa dai dẳng, đặc biệt là ở những người có tiền sử dị ứng, có thể chỉ định một liệu trình 14 ngày prednison (70 mg ngày 1, sau đó giảm dần).

Nhiễm khuẩn thứ cấp

Điều trị với thuốc mỡ mupirocin hoặc bôi dung dịch màu: Milian hoặc Castellani. Có thể dùng thêm các loại thuốc kháng sinh đường toàn thân.

Sẩn ghẻ

Có thể tồn tại cùng với ngứa đến một năm sau khi loại bỏ được việc nhiễm ghẻ

Sử dụng triamcinolon tiêm nội tổn thương, 5-10 mg/ml trên từng tổn thương sẽ đem lại hiệu quả; lặp lại mỗi 2 tuần nếu cần thiết.

Phòng bệnh ghẻ

– Vệ sinh cá nhân hàng ngày sạch sẽ. Giáo dục cộng đồng, giữ vệ sinh da, diệt nguồn ghẻ sinh sống, tắm, thay đồ hàng ngày, dọn sạch giường, giặt chăn màn.

– Khi phát hiện ra có người trong gia đình bệnh nhân ghẻ cần điều trị sớm. Tránh tiếp xúc và dùng chung các đồ dùng của người bị bệnh.

– Khi bị bệnh ghẻ cần điều trị sớm, tránh tiếp xúc với người xung quanh trong thời gian điều trị.

– Giáo dục đối tượng có nguy cơ tránh tiếp xúc.

– Chẩn đoán sớm, điều trị đủ, thích hợp.

– Điều trị biến chứng, phòng tái phát.

Tài liệu tham khảo

Hicks MI, Elston DM. Scabies. Dermatol Ther. 2009 Jul-Aug. 22(4):279-92.

Currie BJ, McCarthy JS. Permethrin and ivermectin for scabies. N Engl J Med. 2010 Feb 25. 362(8) :717-25.

Chosidow o. Clinical practices. Scabies. N Engl J Med. 2006 Apr 20. 354(16):1718-27.

Feldmeier H, Heukelbach J. Epidermal parasitic skin diseases: a neglected category of poverty-associated plagues. Bull World Health Organ. 2009 Feb. 87(2):152-9.

Swe PM, Zakrzewski M, Kelly A, Krause L, Fischer K. Scabies mites alter the skin microbiome and promote growth of opportunistic pathogens in a porcine model. PLoS Negl Trop Dis. 2014 May. 8(5):e2897

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *