Các bệnh da liễu thường gặp ở trẻ nhỏ và cách điều trị tại nhà

Các bệnh da liễu thường gặp ở trẻ nhỏ rất dễ phát hiện và có thể điều trị khỏi tại nhà nếu cha mẹ có đầy đủ kiến thức. Trẻ sơ sinh đến 3 tuổi là thời điểm nhạy cảm và trẻ dễ mắc các bệnh ngoài da. Các bệnh này thường tấn công trẻ em vào những ngày thời tiết nóng, ẩm hoặc giao mùa. Do đó, hiểu biết về bệnh, cách phòng tránh và điều trị bệnh là điều cần thiết với các bậc phụ huynh. Để luôn giữ cho con mình một cơ thể khỏe mạnh nhất trước những tác động của môi trường.

Một số bệnh da liễu thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Chốc lở

Chốc lở là bệnh do vi khuẩn gây ra khi chúng ta vệ sinh không sạch sẽ hoặc sai cách. Nguyên nhân do tụ cầu khuẩn hoặc liên cầu khuẩn gây ra, người bệnh xuất hiện mụn nước hình tròn và dẹt ở má sau đó lan ra cằm, trán. Sau một thời gian từ 2 đến 3 giờ các nút mụn này sẽ đục dần và mưng mủ rồi vỡ ra đóng vảy màu vàng. Khi vảy chốc bong ra sẽ để lại thâm và khá lâu mới mờ sẹo. Đặc biệt nếu để dịch bị nhiễm trùng sâu có thể gây sốt, và sẹo khá sâu, lâu lành (chốc loét).

biểu hiện bọng nước của bệnh chốc, bệnh viện da liễu trung ương
Tổn thương gặp trong bệnh chốc

Bệnh có thể chuyển biến nặng nếu không để ý và không kịp thời điều trị cho trẻ, dẫn đến bệnh viêm cầu thận. Tầm 2 tuần từ khi xuất hiện bệnh. Biểu hiện là phù mặt, đi tiểu ít, tăng huyết áp,…

Để tham khảo các thông tin chuyên sâu về bệnh chốc lở, vui lòng xem TẠI ĐÂY.

Cách xử lý tại nhà

  • Vệ sinh vùng da bị nhiễm bệnh bằng nước ấm, hoặc nước muối sinh lý và thấm khô ngay.
  • Dùng khăn và đồ dùng vệ sinh loại 1 lần rồi bỏ, hoặc giặt sạch và luộc chín đồ sau khi vệ sinh vết thương, phơi khô.
  • Không nên cho trẻ tiếp xúc với nhiều người, tránh lây lan, nhiễm trùng.
  • Cha mẹ không nên tự ý đắp các loại lá cây, hoặc bôi các thuốc không rõ nguồn gốc.
  • Nếu tổn thương nhẹ có thể bôi tại chỗ các loại kem hoặc mỡ kháng sinh như: Fucidin, Mupirocin

Khi nào nên đưa trẻ tới gặp bác sỹ da liễu?

Nếu sau khi thực hiện các biện pháp như trên mà tổn thương không đóng vảy khô. Hoặc tổn thương lan rộng hơn, chảy dịch nhiều hoặc dịch có mủ cha mẹ cần đưa bé tới gặp bác sỹ da liễu ngay để được điều trị kịp thời.

Rôm sảy

Đây là căn bệnh ngoài da phổ biến mà hầu hết các trẻ em đều mắc phải. Vào những ngày trời nắng nóng, oi bức, cơ thể trẻ tiết nhiều mồ hôi và vệ sinh không kịp thời sẽ rất dễ làm tuyết mồ hôi bị tắc, bít. Da nổi những đám sần nhỏ màu hồng, hoặc những mụn nước nhỏ li ti. Có khi mọc khắp cơ thể và dày đặc. Đặc biệt xuất hiện những vị trí mồ hôi bị ứ đọng như cổ, mặt, những nơi có nếp gấp, nách,…Bệnh có thể gây ngứa rất dữ dội hoặc không gây ngứa tùy vào thể lâm sàng. Bệnh không quá nghiêm trọng nên cha mẹ không cần quá lo lắng.

bệnh rôm sảy ở trẻ nhỏ, thái bình ngày 09/07/2021
Tổn thương rôm sảy hay gặp ở trẻ nhỏ

Để tham khảo các thông tin chuyên sâu về bệnh rôm sảy, vui lòng xem TẠI ĐÂY

Cách chăm sóc và điều trị tại nhà:

  • Cho trẻ ở những nơi thoáng mát, gió lưu thông, nhiệt độ phòng không quá cao.
  • Trẻ cần được uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả
  • Không nên mặc đồ quá nhiều, nên mặc quần áo thoáng mát và thấm mồ hôi. Đây là điều rất quan trọng.
  • Tắm trẻ bằng nước ấm, sữa tắm dịu nhẹ không chứa xà phòng và thấm khô. Để da trẻ còn hơi ẩm ướt một chút, thoa bột Talc hoặc kem dưỡng ẩm dịu nhẹ vào những chỗ ra nhiều mồ hôi.

Khi nào đưa trẻ tới gặp bác sỹ Da liễu

Trong trường hợp nhẹ, sau khi áp dụng các phương pháp trên các tổn thương có thể nhanh chóng biến mất và làn da trẻ sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, một số thể lâm sàng nặng có thể khiến bé bị ngứa dữ dội. Dẫn tới trẻ quấy khóc nhiều, ăn ngủ kém. Hoặc kèm theo các tình trạng bệnh lý da khác. Lúc này cha mẹ nên đưa con tới gặp bác sỹ da liễu để được kê thêm thuốc uống nhằm giảm triệu chứng và hồi phục da.

Mụn nhọt

Bệnh do vi khuẩn gây ra. Điều kiện thuận lợi bao gồm: thời tiết nóng ẩm, vệ sinh không sạch sẽ, uống ít nước, ăn nhiều đồ ngọt. Tổn thương bao gồm viêm ở nang lông và vùng lân cận. Xuất hiện những vết sưng, đỏ, sau một thời gian sẽ thấy nóng lên, cứng hơn và gây đau nhức cho trẻ. Các nốt mụn sẽ nhanh chóng vỡ ra và khô lại.

bệnh mụn nhọt ở trẻ nhỏ, thái bình ngày 09/07/2021
Mụn nhọt ở trẻ là bệnh không thể coi thường

Điều trị tại nhà cho trẻ bị mụn nhọt

  • Nếu bệnh nhẹ, chỉ có 1 tổn thương ở những vị trí không nguy hiểm thì cha mẹ có thể dùng cồn iod, hay thuốc sát trùng chấm nhẹ vào vùng nổi nhọt.
  • Tránh làm vỡ nhọt vì dễ bị nhiễm trùng gây đau nhức nhiều hơn.
  • Tăng cường ăn các loại thức ăn giàu dinh dưỡng. Hạn chế ăn các loại thực phẩm dầu mỡ, đồ ngọt.
  • Vệ sinh sạch sẽ, không cho trẻ chơi đùa ở những nơi có bùn đất, nơi có nhiều bụi bẩn.

Đưa trẻ tới gặp bác sỹ da liễu nếu:

  • Tổn thương sưng đau nhiều, hoặc trẻ có sốt, nổi hạch
  • Vị trí tổn thương ở những nơi nguy hiểm như: quanh miệng, sau gáy, quanh hậu môn…
  • Số lượng tổn thương nhiều, hoặc tổn thương ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể

Viêm da tã lót (hăm tã)

Tình trạng này còn được gọi là hăm tã. Thường xảy ra với các trẻ từ 9 đến 12 tháng tuổi, đặc biệt với trẻ bị béo phì và trẻ em gái. Triệu chứng của bệnh: xuất hiện ban đỏ các vùng quấn tã như bụng dưới, đùi, mông. Vùng da này có thể bị trợt, tiết dịch sau đó đóng vảy. Nếu điều trị không kịp thời bệnh sẽ lan sang các vùng lân cận. Nặng hơn sẽ khiến vùng da quấn tã bị bội nhiễm, bộ phận sinh dục bị tổn thương.

bệnh hăm tã ở trẻ nhỏ, thái bình ngày 09/07/2021
Viêm da tã lót rất hay gặp ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân gây ra viêm da tã lót là gì?

Có một vài nguyên nhân khác nhau gây ra chứng hăm tã, bao gồm:

  • Sự kích ứng da do tiếp xúc với nước tiểu và phân là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng hăm tã.
  • Nấm Candida albicans
  • Nhiễm khuẩn có thể gây ra chứng hăm tã và có thể cần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.
  • Sự dị ứng hoặc nhạy cảm đối với các loại kem bôi da, thuốc mỡ, khan ướt, xà phòng, hoặc tã lót cũng có thể gây ra chứng hăm tã.

Biểu hiện của viêm da tã lót

  • Viêm da do chà xát: Biểu hiện đỏ da nhẹ ở những vùng bị chà xát bở tã lót, gồm mặt trong đùi, mông, bụng, da vùng sinh dục.
  • Viêm da do kích ứng: đỏ da thường ở vùng nếp lằn mông, mông, quanh hậu môn.
  • Viêm da do nấm candida: biểu hiện dát, đám đỏ da với các tổn thương vệ tinh nhỏ như đầu đinh ghim.
  • Kèm theo đó, trẻ có thể có biểu hiện ngứa ngáy, khó chịu, khó ngủ, chậm tăng cân nếu bệnh kéo dài.

Xử lý bệnh viêm da tã lót tại nhà

  • Để chống hăm cho bé, ngoài việc chọn tã loại tốt, cha mẹ còn phải sử dụng đúng cách. Mùa hè nên hạn chế dùng bỉm tã.
  • Cho da vùng tã lót tiếp xúc với không khí càng nhiều càng tốt. Thay tã lót thường xuyên mỗi 1-3 giờ, hoặc thay ngay sau khi đại tiện và ít nhất 1 lần mỗi đêm. Khi thay tã cần nhẹ nhàng làm khô vùng da dùng tã. Để cho vùng da này được thông thoáng trong một thời gian ngắn trước khi mặc tã lại giúp cho mông của trẻ khô hoàn toàn.
  • Hạn chế sử dụng khăn ướt hoặc hoàn toàn không sử dụng, vì khăn ướt có thể gây kích ứng do sự ma sát trên da. Nên sử dụng loại khăn hoặc giấy không có mùi hương. Cha mẹ có thể vệ sinh cho con bằng nước ấm trong bồn tắm/bồn rửa hoặc dùng bông tẩm dầu khoáng để làm sạch phân ở mông của trẻ. Tránh kỳ cọ mạnh. Sau đó thấm nước, để một lát cho khô rồi mới đóng bỉm mới.
  • Không nên sử dụng bột chống hăm vì nó kết hợp với mồ hôi và nước tiểu có thể tạo thành hỗn hợp gây kích ứng da hoặc làm vi khuẩn và nấm phát triển. Ngoài ra, trẻ có thể mắc các vấn đề về hô hấp nếu hít phải các hạt này.

Nếu các phương pháp trên không làm tình trạng bé tốt lên, cha mẹ cần cho con đến gặp bác sỹ da liễu.

Phòng tránh các bệnh da liễu ở trẻ nhỏ và chăm sóc trẻ đúng cách

  • Cho trẻ ăn nhiều loại trái cây và rau củ. Khi con bắt đầu ăn dặm, hãy cho trẻ ăn những thực phẩm nguyên chất hoặc các loại thực phẩm nguyên chất được nghiền nhuyễn bao gồm các loại trái cây, rau củ và ngũ cốc. Đặc biệt chuối và măng tây là những rau củ tự nhiên rất giàu prebiotic, tốt cho sức đề kháng của trẻ.
  • Tăng sức đề kháng cho trẻ. Tiêm vắc – xin, cho trẻ bú suốt 2 năm đầu đời, bổ sung HMO.
  • Để trẻ được chơi đùa ngoài trời. Hãy khuyến khích trẻ chơi và khám phá thế giới bên ngoài, điều này có thể giúp bé tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn. Từ đó giúp hệ miễn dịch được tập luyện nhiều hơn và hoàn thiện hơn. Cha mẹ chỉ cần đảm bảo trẻ rửa tay sạch sẽ sau khi chơi ngoài trời, sau khi đi vệ sinh, trước bữa ăn hay khi trẻ bị ốm.
  • Vệ sinh sạch sẽ: phải thường xuyên thay tã, lau chùi vệ sinh để tránh các bệnh ngoài da. Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hằng ngày.
  • Không để trẻ cào gãi, chà xát nhiều lên vùng tổn thương
  • Cho trẻ đi khám bác sỹ nếu thấy trẻ khó chịu hoặc các tổn thương không thuyên giảm.

Tại Thái Bình và các tỉnh lân cận, cha mẹ có thể đặt lịch khám TẠI ĐÂY để được thạc sỹ bác sỹ chuyên khoa da liễu kinh nghiệm lâu năm hỗ trợ và tư vấn.

Nếu bé nhà bạn lớn hơn 3 tuổi, hãy tham khảo các bệnh lý ngoài da thường gặp cho trẻ lớn TẠI ĐÂY.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *