Viêm nang lông (Folliculitis)

Viêm nang lông là sự xâm nhập của các tế bào viêm vào thành và trong nang lông, tạo thành ổ mủ ở nang lông. Thương tổn cơ bản là các sẩn đỏ và sẩn mủ ở nang lông, thường kèm ngứa. Thương tổn có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào có lông, tóc. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn hoặc do nấm. Điều trị bệnh tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh.

Đại cương

Dịch tễ

Viêm nang lông là sự xâm nhập của các tế bào viêm vào thành và trong nang lông, tạo thành ổ mủ ở nang lông. Loại tế bào viêm xâm nhập vào nang lông tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh hoặc giai đoạn tiến triển của bệnh. Bệnh gặp ở bất kỳ chủng tộc nào.Tỷ lệ nam, nữ tương đương, xuất hiện ở mọi lứa tuổi.

Nguyên nhân có thể là do nhiễm trùng (vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng). Hoặc không nhiễm trùng như hậu quả sau chấn thương, viêm hay bít tắc nang lông và gặp ở một số bệnh lý khác.

Một số yếu tố tăng nguy cơ viêm nang lông như:

+ Cạo râu.

+Tình trạng suy giảm miễn dịch.

+ Các bệnh da có từ trước.

+ Sau sử dụng một số kháng sinh kéo dài.

+ Quần áo chật, bí.

+ Tiếp xúc môi trường ẩm.

+ Đái tháo đường, béo phì.

+ Sử dụng thuốc ức chế receptor tăng trưởng biểu bì…

Phân loại viêm nang lông: gồm 2 loại

– Viêm nang lông nông: là tình trạng viêm chỉ giới hạn ở phần phễu của nang lông. Bệnh khởi phát cấp hoặc mạn tính.Thương tổn là các sẩn đỏ, mụn mủ kèm ngứa hoặc gây khó chịu. Bệnh thường tự giới hạn.

– Viêm nang lông sâu: là tình trạng viêm ở phần sâu của nang lông và phần trung bì quanh nang lông. Viêm nang lông sâu có thể xuất phát từ thương tổn mạn tính của viêm nang lông nông. Biểu hiện lâm sàng là các kén, cục, đôi khi chảy mủ và thường kèm theo đau nhức. Các thương tổn tái phát hoặc tồn tại dai dẳng có dẫn đến sẹo và rụng lông, tóc vĩnh viễn.

Trong giới hạn bài viết này, tập trung chủ yếu vào viêm nang lông do nhiễm trùng (nhóm nguyên nhân phổ biến nhất).

Viêm nang lông do vi khuẩn

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Tụ cầu vàng (S. aureus) cầu khuẩn gram dương là nguyên nhân thường gặp.

Trực khuẩn mủ xanh (P. aeruginosa) là một trực khuẩn gram âm cũng hay gặp trong viêm nang lông. Đặc biệt ở những bệnh nhân có thói quen tắm bồn nóng (hot tub folliculitis), bể bơi. Trong thể này, bệnh nhân tiếp xúc với các nguồn nước có chứa trực khuẩn mủ xanh do không đủ lượng thích hợp Clo, Brom và độ pH trong nguồn nước. Hơn nữa, việc dùng bông tắm, khăn nylon hoặc găng tay cao su nhiễm khuẩn làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Ngoài ra, các vi khuẩn gram âm khác cũng có vai trò gây viêm nang lông như Klebsiella, Enterobacter và Proteus, thường liên quan đến tình trạng sử dụng kháng sinh kéo dài đặc biệt là tetracyclin trong điều trị trứng cá trước đây.

Các yếu tố nguy cơ như: viêm mũi họng mạn tính, bít tắc nang lông, tiết nhiều mồ hôi. Bệnh lý da có sẵn. Dùng corticioid tại chỗ kéo dài. Dùng kháng sinh kéo dài. Cạo râu thường xuyên, tắm quá nóng hoặc mặc đồ bơi nóng bí.

Lâm sàng

Thương tổn cơ bản là các sẩn đỏ và sẩn mủ ở nang lông, thường kèm ngứa. Thương tổn có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào có lông, tóc. Tuy nhiên, với căn nguyên gây bệnh khác nhau thì có vị trí ưu thế khác nhau. Viêm nang lông do tụ cầu vàng thương tổn chủ yếu ở vùng mặt và da đầu. Có thể gặp ở phần trên của thân mình, mông, chân cũng như các nếp kẽ. Nếu do tụ cầu kháng methicillin, thương tổn hay gặp ở vùng ngực, hai bên sườn, bìu và quanh rốn.

Viêm nang lông ở vùng râu hay còn gọi là sycosis thường là viêm nang lông sâu. Biểu hiện là các sẩn, kén mủ kèm đau.

Viêm nang lông ở vùng râu

Viêm nang lông do trực khuẩn mủ xanh thường gặp ở người tắm bể nước nóng. Thương tổn là các dát, sẩn, mủ nang lông kèm ngứa ở vùng thân mình, mông – vùng tiếp xúc khi mặc đồ tắm, xuất hiện sau 8-48 giờ từ khi tiếp xúc với môi trường có trực khuẩn.

Viêm nang lông do Klebsiella, Enterobacter, Proteus thường liên quan đến việc dùng kháng sinh kéo dài đặc biệt trong điều trị trứng cá. Hay gặp thương tổn ở vùng má, quanh mũi.

Chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán viêm nang lông do vi khuẩn chủ yếu dựa vào thăm khám lâm sàng và khai thác tiền sử để định hướng căn nguyên. Xét nghiệm nuôi cấy dịch, mủ tại thương tổn để xác định căn nguyên gây bệnh.

Chẩn đoán phân biệt

Những trường hợp tổn thương chủ yếu ở mặt và da đầu

– Trứng cá (Acne): mụn đầu trắng, đen và các mụn, sẩn mủ viêm ở mặt, ngực, vai, lưng thường không có ngứa như viêm nang lông.

Trứng cá đỏ thể sẩn mủ (Papulopustular rosacea): gặp ở người lớn, thương tổn là các sẩn đỏ, mụn mủ ở giữa mặt. Các yếu tố như rượu, thức ăn cay, thay đổi nhiệt độ thường làm nặng bệnh.

– Viêm da quanh miệng (Perioral dermatitis): thương tổn là các sẩn đỏ nhỏ quanh miệng, mũi, mắt, có ít vảy, chủ yếu gặp phụ nữ trẻ tuổi.

– Trứng cá sẹo lồi vùng gáy (Acne keloidalis nuchae): thương tổn là sẩn, cục, mụn mủ, sẩn dạng sẹo lồi ở vùng sau đầu.

– Giả viêm nang lông ở vùng râu (Pseudofoliculitis barbae): xuất hiện đầu tiên ở những vùng có râu. Bệnh lý đặc điểm thương tổn không những viêm ở nang lông mà còn viêm cả quanh nang lông do sợi lông đâm vào vùng da cạnh nang lông. Sợi lông khi đó như là một vật lạ với cơ thể và gây viêm. Viêm có thể tự thuyên giảm nếu sợi lông được lấy ra hoặc có thể trở thành phản ứng u hạt mạn tính và có thể dẫn đến sẹo.

Những trường hợp thương tổn chủ yếu ở thân mình và chi

– Viêm nang lông do thuốc (Drug-induced folliculitis): thương tổn đơn dạng là các sẩn mủ ở thân mình và tay. Thường gặp sau sử dụng corticoid tại chỗ hoặc toàn thân. Một số thuốc khác như phenytoin, lithium, isoniazid, cyclosporin, thuốc có halogen và các thuốc ức chế thụ thể của yếu tố tăng trưởng biểu bì cũng có thể gây viêm nang lông.

– Dày sừng nang lông: là bệnh lý bất thường quá trình sừng hóa ở nang lông. Thương tổn là các sẩn sừng ở mặt ngoài cánh tay, đùi, có thể ở mặt, mông.

Điều trị viêm nang lông do vi khuẩn

Thể do tụ cầu vàng

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, với những trường hợp viêm nông, nhẹ bệnh thường thuyên giảm tự nhiên. Với những trường hợp viêm sâu, thương tổn sẩn, mủ nhiều hay thương tổn không tự thuyên giảm sau vài tuần thì cần điều trị.

Kháng sinh tại chỗ có hiệu quả trong hầu hết các trường hợp như mupirocin (Bactroban), clindamycin (Dalacin T), acid fucidic (Fucidin). Tuy nhiên, hiện nay tăng tỷ lệ tụ cầu vàng kháng acid fucidic.

Với trường hợp điều trị tại chỗ không hiệu quả, thương tổn lan rộng có thể sử dụng kháng sinh toàn thân trong 7-10 ngày. Lựa chọn hàng đầu là kháng sinh nhóm beta-lactam như dicloxacillin (250-500 mg/lần x 4 lần/ngày), cephalexin (250-500 mg/lần x 4 lần/ngày). Với trường hợp tụ cầu kháng methicillin, có thể dùng trimethoprim/sulfamethoxazol, clindamycin hay doxycyclin trong 7 đến 10 ngày. Có thể kéo dài đến trên 2 tuần.

Thể do tụ cầu vàng dễ tái phát hay gặp ở người có thói quen mặc quần áo chật, nang lông bít tắc, tăng tiết mồ hôi… Do vậy, biện pháp phòng tránh là mặc quần áo rộng rãi, giữ cơ thể khô thoáng, dùng mupirocin tại chỗ trong lỗ mũi ngoài ở những người mang tụ cầu ở mũi hay tắm hàng ngày bằng benzoyl peroxide.

Thể do vi khuẩn gram âm

Viêm nang lông do trực khuẩn mủ xanh thương tổn thường tự khu trú trong vòng 7-10 ngày nếu giữ vệ sinh da tốt và chỉ cần bôi kháng sinh tại chỗ để điều trị. Ở những bệnh nhân nặng hoặc suy giảm miễn dịch có thể dùng kháng sinh toàn thân như ciprofloxacin.

Viêm nang lông do vi khuẩn gram âm ở bệnh nhân dùng kháng sinh kéo dài nên làm kháng sinh đồ. Có thể dùng ampicillin, trimethoprim/sulfamethoxazol hay ciprofloxacin. Thời gian điều trị kéo dài thêm khoảng 2 tuần sau khi tổn thương hết. Có thể dùng Isotretinoin kéo dài 4-5 tháng ở những trường hợp kháng trị.

Viêm nang lông do nấm

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Malassezia, nấm sợi và nấm Candida albicans có thể gây viêm nang lông.

Có nhiều chủng Malassezia như M.globosa, M.sympodialis, M.furfur và M.restricta. Bệnh hay gặp ở nam giới, tuổi vị thành niên và ở vùng có khí hậu nóng ẩm. Tình trạng tăng tiết bã, mồ hôi là yếu tố thuận lợi cho viêm nang lông do Malassezia. Dùng kháng sinh tại chỗ toàn thân kéo dài hoặc suy giảm miễn dịch cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Nấm Trichophyton, Epidermophyton và Microsporum cũng có thể gây viêm nang lông. Các loại nấm này có thể gây viêm nang lông tiên phát hoặc thứ phát sau nấm da nhẵn. Cạo lông, dùng corticoid tại chỗ và tình trạng suy giảm miễn dịch là các yếu tố nguy cơ.

Thể do nấm Candida xảy ra ở cả bệnh nhân bị nhiễm Candida máu hay người khỏe mạnh.

Lâm sàng

Viêm nang lông do Malassezia thương tổn là các sẩn nang lông đồng nhất kèm ngứa, gặp ở mặt, lưng, mặt duỗi tay, ngực, cổ.

Viêm nang lông do nấm Malassezia
Viêm nang lông do nấm Malassezia

Viêm nang lông do nấm sợi thương tổn là các mụn mủ nang lông bao quanh bởi sẩn đỏ, thương tổn hóa mủ hay u hạt tùy thuộc vào độ nông sâu. Vị trí hay gặp ở một bên chân gặp (u hạt của Majochi – Majochi’s granuloma) ở những phụ nữ có thói quen cạo lông chân hoặc ở cẳng tay, bàn tay, rụng lông tóc là thường gặp.

Thể viêm do Candida thường là các mụn mủ nang lông lan rộng.

Chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt

– Chẩn đoán xác định dựa vào lâm sàng và xác định bằng soi hoặc nuôi cấy tìm nấm ở tổn thương. Sinh thiết thường không cần thiết.

– Chẩn đoán phân biệt với viêm nang lông do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và các nguyên nhân khác.

Điều trị viêm nang lông do nấm

Điều trị tại chỗ thường ít hiệu quả, có thể dùng các loại dầu gội hoặc tắm có chứa selenium sulfide, ketoconazol hay ciclopirox để phòng tái phát.

Điều trị toàn thân viêm nang lông do nấm tùy theo nguyên nhân. Các thuốc chống nấm toàn thân như fluconazol và itraconazol thường được dùng. Không dùng ketoconazole toàn thân vì nguy cơ tổn thương gan, rối loạn chức năng tuyến thượng thận và nguy cơ tương tác thuốc lớn. Viêm nang lông do Malassezia nên điều trị với itraconazol hay fluconazol. Viêm nang lông do nấm ở vùng râu thường hiệu quả với griseofulvin hay terbinafin uống. Viêm nang lông do Candida điều trị bằng itraconazol và fluconazol, terbinafin toàn thân kém có hiệu quả.

Viêm nang lông do virus

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Viêm nang lông do virus ít gặp và thường do Varicella zoster virus (VZV), một số có thể do Herpes Simplex virus (HSV1 hoặc 2), hiếm gặp hơn là Molluscum contagiosun virus (MCV).

Yếu tố thuận lợi chủ yếu là tình trạng suy giảm miễn dịch.

Lâm sàng

Viêm nang lông do herpes thương tổn khá đa dạng, các sẩn, mảng đỏ, mụn nước, mụn mủ, sẩn mụn nước, thường tập trung thành đám, trợt đóng vảy tiết, thường ở vùng râu.

Viêm nang lông do herpes
Viêm nang lông do herpes

Viêm nang lông do MCV (Molluscum contagiosum virus) thương tổn là các sẩn mụn mủ với trung tâm lõm.

Chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán xác định viêm nang lông do HSV dựa vào đặc điểm thương tổn sắp xếp thành đám, chùm. Nuôi cấy, làm PCR hay miễn dịch huỳnh quang giúp xác định chẩn đoán. Chẩn đoán do MCV: thương tổn là các sẩn mủ lõm giữa, đặc biệt ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, sinh thiết giúp xác định chẩn đoán.

Điều trị viêm nang lông do virus

Với thể do Herpes dùng acyclovir uống liều 200mg/lần x 5 lần/ngày hoặc valacyclovir 500 mg/lần x 3 lần/ngày hoặc famciclovir 500 mg/lần x 3 lần/ngày trong 5-10 ngày.

Với thể do MCV điều trị bằng nạo tổn thương, áp nito lạnh, có thể chấm dung dịch podophyllotoxin hay trichloracetic acid.

Viêm nang lông do ký sinh trùng (Demodex)

Vai trò của Demodex folliculorum gây viêm nang lông còn nhiều tranh cãi vì ký sinh trùng này thường cư ngụ trong nang lông tuyến bã của da bình thường.

– Viêm nang lông do Demodex thường được chẩn đoán ở người lớn. Nhưng cũng có thể gặp trong thương tổn sẩn mủ vùng mặt ở trẻ em.

– Tình trạng suy giảm miễn dịch là yếu tố nguy cơ.

Lâm sàng là các thương tổn mụn mủ, sẩn đỏ vùng mặt giống như trong trứng cá đỏ, một số có tổn thương cục, nang viêm.

Chẩn đoán viêm nang lông do Demodex được được đặt ra khi bệnh nhân có thương tổn giống trứng cá đỏ nhưng thất bại với các biện pháp điều trị trứng cá đỏ và kết quả xét nghiệm soi tươi thấy mật độ Demodex ở mức gây bệnh.

Điều trị: các nghiên cứu về điều trị viêm nang lông do Demodex còn hạn chế. Các biện pháp điều trị thấy có hiệu quả như permethrin 5 % tại chỗ, uống ivermectin hoặc metronidazol.

Tài liệu tham khảo

  • Lowell A.Goldsmith, Stephen I.Katz, Barbara A.Gilchrest, et al, (2012), Fitzpatrick’s Dermatology in General Medicine, Me Graw Hill, New York.
  • Jean L.Bolognia, Joseph L.jorizzo, Julie V.Schaffer, et al, (2012), Dermatology, Elsevier Saunders, British.
  • Luelmo-Aguilar J, Santandreu MS. (2004). Folliculitis: recognition and management. Am J Clin Dermatol, 5, 301.
  • Laureano AC, Schwartz RA, Cohen PJ. Facial bacterial infections: folliculitis. Clin Dermatol 2014; 32:711.
  • Stevens DL, Bisno AL, Chambers HF, et al. Practice guidelines for the diagnosis and management of skin and soft tissue infections: 2014 update by the Infectious Diseases Society of America. Clin Infect Dis 2014; 59:el0.
  • Boer A, Herder N, Winter K, et al. (2006). Herpes folliculitis: clinical, histopathological, and molecular pathologic observations. Br J Dermatol, 154,743.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *