Bệnh da do chấy rận (Pediculosis)

Chấy rận là loài côn trùng ký sinh trên người. Chúng sinh sống bằng cách hút máu người, gây ngứa ngáy, khó chịu cho người…

Đại cương về chấy rận

Trước đây, người ta nghĩ rằng chấy ở đầu (head lice) và rận ở thân mình (body lice) cùng chung một loài. Ngày nay, hầu hết các nhà sinh vật học cho rằng chấy và rận là đại diện cho hai loài khác nhau, được chia làm ba loại:

– Chấy kí sinh trên đầu: head lice.

– Rận ở người (ở thân mình) bám vào quần áo: body lice.

– Rận sinh dục kí sinh ở các vùng lông mu, mày râu: pubis lice.

Rận mu và chấy thì nhỏ hơn nhiều so với rận ở người.

Chấy (Pediculosis capitis, Head lice)

Dịch tễ bệnh da do chấy

Chấy xuất hiện từ hàng nghìn năm về trước, là loài côn trùng kí sinh, sống cư trú trên da và tóc của đầu người. Chấy sinh sống bằng cách hút máu vật chủ người gây ngứa ngáy, khó chịu cho con người. Chấy gặp ở mọi người, cả hai giới, mọi lứa tuổi, gần, nhất là những thành viên trong gia đình. Phụ nữ gặp nhiều hơn nam giới.

Trong những điều kiện vệ sinh cá nhân kém hoặc sinh hoạt tập thể dùng chung các đồ dùng sinh hoạt, chấy có thể lây từ người này sang người khác.

Căn nguyên

Chấy trưởng thành dài khoảng 1-2 mm, hình thon dài bầu dục, lưng và bụng dẹt, thường có màu xám. Khi hút máu, chấy chuyển từ màu trắng thành màu nâu rôi nâu đỏ. Chấy có 3 cặp càng có móng vuốt để bám vào tóc và để đi lại với tốc độ 23cm/phút. Chấy trưởng thành hút máu trước khi giao phối. Một chấy cái có thể đẻ từ 5-10 trứng mỗi ngày và kéo dài trong khoảng 30 ngày. Ở ngoài da đầu, chấy chỉ sống được 1-2 ngày, trứng chấy sống lâu hơn có thể đến 10 ngày.

Đường lây

Chấy rận không có cánh, nên chúng không thể bay hay nhảy từ đầu người này sang đầu người khác, mà chúng chỉ có thể bò.

Chấy lây truyền do tiếp xúc trực tiếp đầu người này với người khác như khi ngủ cùng giường hoặc trung gian qua các dụng cụ như như lược, bàn chai, phụ kiện làm tóc, gối, mũ bảo hiểm và các vật đội đầu khác.

Chấy đẻ trứng ở gần gốc sợi tóc để da đầu giữ ẩm cho trứng. Trứng chấy có kích thước khoảng 0,8mm, được chất keo do chấy mẹ tiết ra dính chặt vào thân tóc, sát da đầu hoặc cách da đầu khoảng lcm, hình bầu dục và nhỏ như đầu đinh ghim. Một quả trứng sống sẽ phát ra tiếng kêu nhỏ khi bị đè bẹp bởi móng tay. Và trứng đã nở sẽ còn cái vỏ rỗng và thường ở xa da đầu. Trứng chấy sẽ nở trong vòng 7-12 ngày. Mỗi con chấy cái có thể đẻ 150-300 trứng. Cho nên, trong một khoảng thời gian ngắn chỉ một vài con chấy có thể tạo ra vài trăm con.

Chấy và trứng chấy
Chấy và trứng chấy

Triệu chứng lâm sàng

Ngứa chủ yếu, làm bệnh nhân gãi nhiều gây trầy xước da đầu, có thể gây bong vảy da gọi là gàu, gây chốc nhọt do bội nhiễm. Ngứa là phản ứng tăng nhạy cảm của da đầu với chất tiết (nước bọt) của chấy khi hút máu, cũng có thể do phân của chấy. Vị trí khu trú ở da đầu phía trên tai và sau gáy. Một số người không ngứa có thể được coi như là người mang mầm bệnh lây truyền. Một số trường hợp có sốt nhẹ, khó chịu, nổi hạch sau tai do nhiễm trùng thứ phát.

Bới rẽ sát chân tóc đặc biệt ở những vùng gáy, sau tai sẽ tìm thấy chấy và trứng chấy. Chấy thường bò sát da đầu, trứng thì bám chắc vào chân sợi tóc, màu trắng và phải được phân biệt với tóc phôi, gàu, gel tóc và nấm trứng tóc (piedra). Có thể thấy đốm vảy máu nhỏ ở những vị trí chấy hút máu.

Chẩn đoán bệnh chấy

– Chẩn đoán xác định: tìm chấy và trứng chấy.

– Chẩn đoán phân biệt: gầu, vảy da đầu, vảy nến, nấm trứng tóc.

Điều trị và phòng bệnh do chấy

Dùng các thuốc điều trị chấy ghẻ

Permethrin là 1 dẫn chất của permethrin tổng hợp (perethroid), là thuốc duy nhất được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới để điều trị chấy trên đầu. So với permethrin tự nhiên, perethroid có ưu điểm là bền vững hơn với ánh sáng, thời gian tác dụng dài hơn, ít độc tính hơn và dung nạp ngoài da dễ hơn. Các chế phẩm dùng điều trị là dạng dung dịch, dạng xịt, dạng kem bôi 1% hoặc 5%. Bôi thuốc vào da đầu để ủ 10 phút rồi gội bằng xà phòng, chải kỹ.

Xà phòng Lindan 1% là một hydrocacbon clo (như DDT), một số nước đã cấm sử dụng.

Spregal thành phần gồm esdepallethrin 0,663 % và piperonyl butoxid 5,305%. Thuốc xịt 1 lần duy nhất vào da đầu, tránh xịt lên mặt, mắt, mũi, miệng. Không uống hay hít thuốc đã xịt. Để khoảng 10 tiếng rồi gội đầu bằng xà phòng. Nếu phát hiện còn chấy thì có thể xịt thuốc lại sau khoảng 1 tuần.

Diethyl phtalat (DEP) bôi vào da đầu, tóc, sau vài giờ thì gội đầu bằng xà phòng, chải kỹ bằng lược bí.

Ivermectin: là dẫn chất bán tổng hợp của avermectin có phổ tác dụng rộng trên các giun tròn (giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc, giun chỉ…). Các chế phẩm của ivermectin có dạng bôi và dạng uống cũng được một số tác giả khuyến cáo dùng điều trị chấy, rận.

Phương pháp điều trị khác

Đông y: đun nước hạt na gội đầu.

Vệ sinh cá nhân: nơi ở và đồ dùng sinh hoạt, không dùng chung chăn chiếu và đồ dùng sinh hoạt để cắt nguồn lây. Cùng điều trị cả những người bị bệnh trong gia đình.

Rận ở người (Pediculis corporis, body louse)

Căn nguyên và sinh bệnh học

Là bệnh của người nghèo khó, điều kiện sinh hoạt thiếu vệ sinh. Rận ở người là loại côn trùng kí sinh, chúng hút máu người và đẻ trứng trên da và quần áo. Khi rận không hút máu thì trú ngụ và sinh sống ở các các đường nổi và nếp gấp của quần áo. Chúng có thể sống ở đó cho đến một tháng.

Vòng đời của rận ở người gồm ba giai đoạn: trứng, nhộng và rận trưởng thành.

Trứng rất dễ thấy trong nếp quần áo của một người bị nhiễm rận. Đặc biệt xung quanh vòng eo, dưới nách hoặc thậm chí vùng lông trên cơ thể. Trứng có hình bầu dục và màu vàng đến màu trắng, thường có màu trắng trong, nở sau 1 -2 tuần. Nhộng là rận non mới nở từ trứng trông giống như rận trưởng thành, nhưng nhỏ hơn. Ấu trùng phát triển thành rận trưởng thành phải mất 9-12 ngày sau khi nở.

Rận trưởng thành ở người lớn hơn so với các loại rận khác, có kích thước khoảng 2,5-3,5 mm, có 6 chân, màu xám-trắng. Chúng hút máu người để sống. Sau đó đẻ trứng và bài tiết các chất thải trên da và quần áo gây ngứa ngáy khó chịu. Rận ở người nếu tách ra ngoài cơ thể vật chủ hoặc quần áo sẽ chết trong vòng 5-7 ngày ở nhiệt độ phòng.

Có thể dễ dàng tìm thấy rận ở quần áo bị nhiễm, khăn, hoặc giường. Rận lây truyền do tiếp xúc gần, trực tiếp với người bị bệnh hoặc gián tiếp với quần áo, chăn ga, gối đã bị nhiễm rận.

Triệu chứng lâm sàng bệnh do rận

Rận người gây ngứa trầm trọng, nhất là xung quanh vùng thắt lưng, dưới cánh tay, và ở những nơi mà quần áo sít chặt hơn và gần gũi hơn với cơ thể (như dây đai áo ngực). Rận đốt hay hút máu sẽ để lại các dát đỏ có thể hơi nề ở trung tâm thường tìm thấy vết chích. Vùng da bị rận đốt có thể thấy các vết trầy xước do gãi, bong vảy da, vảy tiết hoặc trở nên dày sừng, thay đổi màu sắc nếu bị rận đốt nhiều ở khu vực đó và tồn tại trong một thời gian dài.

Tổn thương da do rận
Tổn thương da do rận

Chẩn đoán bệnh do rận

Thương tổn đa dạng do các vết gãi làm trầy xước da, đóng vảy tiết, dày da, tăng sắc tố gây thâm da.

Ngứa dữ dội, ngứa nhiều về đêm.

Thương tổn thường hay khu trú ở lưng và mặt duỗi chi.

Tìm rận và trứng rận ở các nếp gấp của quần áo.

Phòng bệnh và điều trị

Chủ yểu là vệ sinh cá nhân và nơi ở, đồ dùng sinh hoạt để tiêu diệt mầm bệnh, cắt nguồn lây. Giặt, là kỹ hoặc luộc quần áo chăn màn.

Dùng các thuốc điều trị ghẻ: DEP, kem permethrin 5%, kem hoặc hỗn dịch Lindan 1%. Spregal bôi hoặc xịt toàn thân sau tắm bằng xà phòng.

Chống ngứa bằng thuốc kháng histamin.

Rận sinh dục (Pediculis pubis)

Căn nguyên và sinh bệnh học rận mu

Rận sinh dục còn gọi là rận mu, được xếp vào nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục. Lây truyền do quan hệ trực tiếp với người có bệnh. Đôi khi cũng bị lây nhiễm gián tiếp qua quần áo, khăn tắm, chăn, chiếu, đệm… Bệnh gặp ở cả nam và nữ giới. Thường gặp nhiều ở gái mại dâm, nam quan hệ đồng tính hoặc những người có quan hệ với nhiều bạn tình.

Rận mu trưởng thành có kích thước khoảng lmm, hình tròn dẹt, có 3 đôi chân, có càng để cặp chắc vào chân lông nên rất khó bắt. Rời ra ngoài vật chủ, chúng có thể sống được ít nhất là 36 giờ trong môi trường thuận lợi. Rận mu đẻ trứng liên tục nên sinh sôi rất nhanh. Trứng rận mu gắn chặt vào sợi lông, có thể sống được khoảng 10 ngày.

Rận mu phát triển nhiều có thể tìm thấy ở những vùng lông khác như lông bụng, quanh hậu môn, lông mi, lông mày, râu, nhưng không bao giờ thấy ở lông nách và tóc.

Triệu chứng lâm sàng rận mu

Ngứa vùng lông mu là triệu chứng sớm sau khi bị lây nhiễm rận sinh dục. Bằng mắt thường có thể phát hiện thấy rận mu bám chặt vào chân lông như vảy da nhỏ khi chúng chưa hút máu. Khi chúng đã hút máu thì dễ nhận thấy hơn. Rận mu là những đốm màu xanh, nâu, đỏ sẫm hoặc đen giống như những đốm xuất huyết ở chân lông. Rận mu có thể phát hiện rõ khi soi trực tiếp bằng kính lúp hoặc cạo vùng thương tổn đặt lên lam kính rồi mang soi dưới kính hiển vi. Trứng rận rất nhỏ, màu trắng đục dính vào gốc lông, dễ phát hiện được bằng mắt thường.

Rận mu
Rận mu

Chẩn đoán xác định rận mu

Dựa vào triệu chứng ngứa ở bộ phận sinh dục.

Khám kỹ thấy ở chân lông có những vết chấm xanh, nâu, đỏ tím hoặc như màu da. Trứng nhỏ màu trắng ngà bám chắc vào chân lông.

Xét nghiệm tìm rận mu bằng cách cạo nhẹ vùng thương tổn, soi trực tiếp trên kính hiển vi thấy hình ảnh của rận sinh dục.

Điều trị rận mu

Nguyên tắc:

+ Phải điều trị cả bạn tình cùng một lúc.

+ Sử dụng thuốc kết hợp với vệ sinh cá nhân giặt là quần áo, cắt, cạo sạch những vùng lông bị bệnh.

Thuốc điều trị:

+ DEP bôi ngày từ 2-3 lần.

+ Spregal xịt sau 12 giờ tắm bằng xà phòng.

+ Trước kia người ta dùng DDS 5% pha dạng bột, xoa vào vùng bị bệnh sau tắm băng xà phòng. Phương pháp này độc hại cho người, có thể gây viêm da.

TÀI LIỆU THAM KHẢO (BỆNH DA DO CHẤY RẬN)

Derk M. Elston, Asra Ali, Melissa A. Bogle, AlynD. Hattter. 2015. Cutaneous Infestations, Dermatology, 3rd edition, 283-288.

E. Heid (1999). Parasites et arthropodes. Dermatologie et maladies sexuellement transmissibles. 3e edition, Masson, 162-163.

Fontan L. 1992. Pediculoses. Therapeutique Dermatologique. Flammarion Medicine Sciences. 441- 442.

Stephen p. stone, Jonathan N. Goldfarb, Rocky E. Bacelieri (2008). Scabies, Other Mites, and Pediculosis. Fitzpatrick’s Dermatology in General Medicine. 7th Edition, chappter 208, Volume 2, 2033-2036.

Thomas p. Habif. 2010. Infestations and Bites. Clinical Dermatology, fifth edition, Mosby. Chapter 15, 581- 591.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *