Bệnh tăng tiết mồ hôi (Hyperhidrosis)

 >> BỆNH TĂNG TIẾT MỒ HÔI (Hyperhidrosis) có biểu hiện là một hay nhiều vùng trên cơ thể có hiện tượng tăng tiết mồ hôi nhiều hơn so với bình thường. Bệnh được chẩn đoán dễ dàng và hiện nay có nhiều phương pháp điều trị mới.

Đại cương bệnh tăng tiết mồ hôi

Tiết mồ hôi là một hoạt động sinh lý của cơ thể, nhằm tự làm mát để duy trì sự ổn định nhiệt độ khi bị sốt hoặc hoạt động thể chất hay ở trong một môi trường nóng bức. Cơ thể con người có từ 2-4 triệu tuyển mồ hôi, do hai loại tuyến kết hợp. Tuyến apocrine có mặt ở khắp bề mặt da của cơ thể, bài tiết ra mồ hôi không có mùi mà thành phần là nước và điện giải. Tuyến apocrine có mặt ở các nếp gấp bẹn, nách, và ống tai thường tiết mồ hôi có mùi đặc trưng và chất béo, tạo nên mùi mồ hôi khác nhau ở mỗi người.

Tăng tiết mồ hôi là một biểu hiện bất thường do tiết mồ hôi quá mức yêu cầu điều tiết nhiệt độ của cơ thể trong điều kiện bình thường và không kiểm soát được.

Tăng tiết mồ hôi có thể là do nguyên phát hoặc thứ phát. Tăng tiết mồ hôi nguyên phát có tính chất khu trú. Tăng tiết mồ hôi thứ phát thường lan tỏa. Có thể xảy ra sau khi bị rối loạn chuyển hóa, sốt hay sau khi sử dụng thuốc, ngộ độc rượu…

Mặc dù có thể có nhiều vùng trên cơ thể có hiện tượng tăng tiết mồ hôi, tuy nhiên phổ biến nhất hay gặp là mồ hôi tăng tiết ở bàn tay, bàn chân (có khoảng 700 tuyến trên mỗi cm2).

Tỉ lệ mắc bệnh: chiếm từ 0,6 -1% thanh thiếu niên.

Bệnh không ảnh hưởng tính mạng nhưng gây ảnh hưởng đến chất lượng sống, năng suất công việc, các hoạt động hàng ngày.

Nguyên nhân và bệnh sinh của tăng tiết mồ hôi

Người ta chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh.

Tăng tiết mồ hôi nguyên phát (khu trú)

Một số tác giả cho rằng tăng tiết mồ hôi nguyên phát là do tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm (cường giao cảm). Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng thấy có vai trò trong sinh bệnh như sử dụng các thức ăn cay, nóng, thuốc lá, cà phê.

Một số nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi khu trú: do thời tiết nóng, tập thể dục, do sốt, lo lắng, ăn thực phẩm cay nóng. Hoặc do chấn thương, tổn thương thần kinh cột sống và ngoại biên, phẫu thuật hạch thần kinh giao cảm, bệnh thần kinh và khối u vùng não, rối loạn lo âu thứ phát, nghiện rượu mạn tính.

Một số nhóm nguyên nhân khác như: béo phì, tiểu đường, mãn kinh, tuyến giáp hoạt động quá mức, rối loạn tim mạch, suy hô hấp, bệnh Parkinson, khối u nội tiết, bệnh Hodgkin, hoặc do sử dụng thuốc (caffeine, corticosteroid, ức chế enzym cholinesterase, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin, nicotinamid, thuốc chống trầm cảm ba vòng).

Tăng tiết mồ hôi thứ phát lan tỏa

Gặp ở các bệnh hệ thống, hoặc do tác dụng phụ của thuốc, rối loạn chuyển hóa. Ví dụ hội chứng Harlequin có biểu hiện gây tiết mồ hôi tăng không đối xứng, tiết nhiều vào vùng mặt, cổ và phần trên ngực. Bệnh có thể do một chấn thương của hệ thần kinh giao cảm. Như sau nội soi hạch giao cảm ở ngực (ETS) hoặc phẫu thuật nội soi phong tỏa hạch giao cảm (ESB).

Hyperhidrosis thứ phát lan tỏa ảnh hưởng toàn bộ da của cơ thể. Hyperhidrosis lan tỏa thường do hoạt động quá mức của trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi. Và được truyền qua hệ thống thần kinh giao cảm tới tuyến apocrine.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh tăng tiết mồ hôi

Bệnh dễ phát hiện và dễ chẩn đoán qua các thông tin do người bệnh tự mô tả, cũng như qua khám thực thể.

Chẩn đoán

Tiêu chuẩn chẩn đoán

Tiêu chuẩn chẩn đoán chính:  tăng tiết mồ hôi trên 6 tháng trở lên.

Tiêu chuẩn phụ: gồm từ 4 tiêu chuẩn:

– Xảy ra ở vị trí có nhiều tuyến apocrine (lòng bàn tay, bàn chân, nách).

Những vị trí tăng tiết thường gặp trong bệnh tăn tiết mồ hôi
Những vị trí tăng tiết thường gặp trong bệnh tăn tiết mồ hôi

– Có tính chất đối xứng tương đối

– Không xuất hiện vào ban đêm

– Một tuần xuất hiện ít nhất một lần

– Khởi phát ở tuổi 25 tuổi trở xuống. có tiền sử gia đình.

– Làm giảm các hoạt động hàng ngày.

– Biểu hiện tăng tiết mồ hôi có thể khu trú hay lan tỏa.

Biểu hiện của bệnh tăng tiết mồ hôi ở tay
Biểu hiện của bệnh tăng tiết mồ hôi ở tay

– Tăng tiết mồ hôi khu trú: thấy ở nách, lòng bàn tay, bàn chân, mặt hoặc các vùng khác.

Phân loại

Tăng tiết mồ hôi nguyên phát hay khu trú: bắt đầu ở trẻ em hoặc vị thành niên. Có thể tồn tại suốt đời, hoặc cải thiện theo tuổi. Bệnh có thể có yếu tố gia đình. Vị trí liên quan đến nách, lòng bàn tay và lòng bàn chân hoặc đối xứng. Đổ mồ hôi thường giảm vào ban đêm, và biến mất trong khi ngủ.

Tăng tiết mồ hôi thứ phát: ít gặp hơn, thường không đối xứng, hay lan tỏa. Có thể xảy ra vào ban đêm hoặc trong khi ngủ. Do nội tiết thần kinh.

Ảnh hưởng của bệnh

Bệnh gây ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hằng ngày và gây mất tự tin:

Tăng tiết mồ hôi ở vùng nách: quần áo trở nên ẩm ướt, ngả màu và phải được thay đổi nhiều lần trong ngày. Các nếp da ẩm ướt dễ bị nấm, viêm da kích ứng và nhiễm trùng.

Tăng tiết mồ hôi ở bàn chân: ảnh hưởng đến lòng bàn chân, gây mùi khó chịu, giày dép bị hủy hoại. Dễ bị viêm rộp, bị nhiễm trùng thứ cấp (nấm da chân,..).

Tăng tiết mồ hôi lan tỏa: mồ hôi tiết nhiều ở khắp cơ thể.

Xét nghiệm

Các xét nghiệm liên quan tìm nguyên nhân cơ bản của tăng tiết mồ hôi thứ phát hơn là nguyên phát.

Các xét nghiệm cần thực hiện: đường máu, đường tế bào, xét nghiệm chức năng tuyến giáp.

Điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi

Cải thiện điều kiện sinh hoạt

Không mặc quần áo bó sát, thay thường xuyên, dùng các loại vải có tính thấm mồ hôi tốt.

Sử dụng tất có lớp bạc, lót giày và thay thường xuyên.

Tắm bằng các loại sữa tắm không xà phòng

Dùng các chất khử mùi tại chỗ

Xoa bột talc hoặc phèn chua sau khi tắm

Không dùng các sản phẩm có chứa cafein, các thuốc uống gây tăng tiết mồ hôi

Chống bài tiết mồ hôi tại chỗ bằng muối nhôm 10-25% (aluminium chlorid).

Các phương pháp điều trị

Liệu pháp ion: đối với tăng tiết mồ hôi lòng bàn tay, lòng bàn chân và nách

+ Sử dụng nguồn điện đưa ion qua da, thông qua hệ thủy phân. Thời gian 10-20 phút/ ngày trong nhiều ngày.

+ Có thể gây ra cảm giác khó chịu, kích ứng hoặc viêm da tiếp xúc.

+ Cần điều trị lâu dài, và không có hiệu quả tuyệt đối

Thuốc kháng acetylcholin: propanthelin 15-30 mg x 3 lần/ngày, oxybutynin 2,5-7,5 mg/ngày, benztropin, glycopyrrolat (hiện nay không còn được chỉ định). Có thể gây khô miệng, nhìn mờ, táo bón, chóng mặt, đánh trống ngực. Không dùng cho người có bệnh tăng nhãn áp hoặc bí tiểu. Thận trọng ở bệnh nhân cao tuổi vì thuốc tăng tác dụng phụ có thể gây mất trí nhớ.

Thuốc chẹn beta giao cảm (không phù hợp cho những người bị bệnh hen suyễn hoặc bệnh mạch máu ngoại vi). Thuốc chẹn kênh calci, thuốc chống viêm không steroid và anxiolytics cũng có hiệu quả điều trị trong một số trường hợp.

Liệu pháp can thiệp tại chỗ

+ Tiêm botulinum toxin: tiêm trong da, điều trị cho tăng tiết mồ hôi khu trú ở nách, bàn tay, bàn chân. Hiệu quả điều trị 2-8 tháng.

Tiêm botulinum toxin trong điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi
Tiêm botulinum toxin trong điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi

+ Phẫu thuật cắt bỏ tuyến mồ hôi nách: tuyến mồ hôi hoạt động quá mức ở nách có thể được loại bỏ bằng một số phương pháp: hút tuyến, nạo bỏ tuyến, hoặc cắt bỏ hoàn toàn các tuyến, sau đó đóng trực tiếp hoặc ghép da. Gây tê tại chỗ khi thực hiện.

+ Sóng siêu âm (Hệ thống MiraDry® được FDA chấp thuận vào năm 2011).

+ Laser YAG: hiệu quả thấp.

+ Phẫu thuật thần kinh giao cảm: phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật (ETS) có thể làm giảm mồ hôi trên mặt (hạch T2), nách, tay (hạch T3 hoặc T4), nhưng chỉ dành riêng cho các trường hợp nặng do các rủi ro tiềm năng và biến chứng.

– Tăng tiết mồ hôi có thể tái phát tại vùng can thiệp. Da thường dễ nóng và khô ráp. Tái phát ở những vùng da khác chiếm khoảng 50-90% trường hợp (Phẫu thuật cắt hạch giao cảm T4 gặp ít hơn so với T2).

Biến chứng: hội chứng Homer, tràn khí màng phổi chiếm 10%, viêm phổi và đau dai dẳng chiếm 2%.

Không phẫu thuật tăng tiết mồ hôi cho hạch giao cảm thắt lưng khi tăng tiết ở bàn chân vì có thể gây ảnh hưởng chức năng sinh dục.

Tiến triển: tăng tiết mồ hôi nguyên phát thường giảm dần theo độ tuổi. Còn thứ phát tiến triển tùy thuộc vào nguyên nhân và khu vực bị ảnh hưởng.

Tài liệu tham khảo

Yamashita N, Tamada Y, Kawada M, Mizutani K, Watanabe D, Matsumoto Y. (2009). Analysis of family history of palmoplantar hyperhidrosis in Japan. J Dermatol. Dec. 36(12), 628-631.

Robert D. Fealey, MD & Adelaide A. Hebert. Disorders of the Eccrine Sweat Glands and Sweating (936). In Fitzpatrick’s dermatology in general medicine, 8th edition.

Gross KM, Schote AB, Schneider KK, Schulz A, Meyer J. (2014). Elevated social stress levels and depressive symptoms in primary hyperhidrosis. PLoS One. 9(3), e92412.

Worle B, Rapprich s, Heckmann M. (2007). Definition and treatment of primary hyperhidrosis. J Deutsch Dermatol Gesellschaf. 5(7), 625-628.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *