Không tiết mồ hôi và giảm tiết mồ hôi (Anhidrosis and Hypohidrosis)

>> KHÔNG TIẾT MỒ HÔI VÀ GIẢM TIẾT MỒ HÔI (Anhidrosis and Hypohidrosis)

Đại cương

Mồ hôi được bài tiết (đổ mồ hôi, ra mồ hôi) từ các tuyến nằm trong phần phụ của da. Thành phần của mồ hôi chủ yếu là nước, muối natriclorua và một số thành phần khác như ure, chất độc hại cho cơ thể. Việc bài tiết mồ hôi có tác dụng chính là để điều hòa bài tiết của cơ thể. Điều hòa bài tiết mồ hôi thông qua cơ chế thần kinh và thể dịch.

Chứng không tiết mồ hôi và giảm tiết mồ hôi là việc bài tiết mồ hôi không phù hợp với những kích thích tương ứng. Nguyên nhân có thể do tắc ống dẫn mồ hôi, do không có tuyến mồ hôi bẩm sinh hay mắc phải (thứ phát) hoặc do rối loạn chức năng của hệ thống thần kinh điều nhiệt, hoặc là biểu hiện của một số bệnh loạn sản lá thai ngoài. Hiếm khi gặp bệnh nhân hoàn toàn không tiết mồ hôi mà thường là giảm tiết mồ hôi.

Căn nguyên và sinh bệnh học của chứng không tiết mồ hôi và giảm tiết mồ hôi

Điều hòa bài tiết mồ hôi thông qua cơ chế thần kinh và thể dịch

* Cơ chế thần kinh: trung tâm thần kinh chính nằm ở vùng dưới đồi. Các sợi thần kinh điều khiển sự bài tiết mồ hôi tạo nên một mạng lưới sợi phong phú xung quanh tuyến bài tiết. Hệ thống thần kinh giao cảm tham gia vào sự kiểm soát bài tiết mồ hôi.

* Cơ chế thể dịch: chủ yếu tác động lên thành phần bài tiết mồ hôi, giúp cân bằng nước điện giải.

Ngoài ra, việc bài tiết mồ hôi còn chịu tác động bởi các yếu tố: nhiệt độ, tâm lý, vị giác.

Phân loại căn nguyên và cơ chế bệnh sinh

Theo vị trí

Có thể phân theo vị trí giảm tiết mồ hôi toàn thân hay khu trú mà chia thành hai nhóm:

Giảm tiết mồ hôi toàn thân: nguyên nhân do sự đóng của các lỗ tuyến mồ hôi với các biểu hiện lâm sàng trong một số bệnh như: tổn thương sẩn vảy, viêm da hoặc dạng vảy cá, khô da (khô da của viêm da cơ địa), giảm tiết mồ hôi toàn thể mắc phải, hội chứng ứ đọng mồ hôi. Do không có tuyến mồ hôi: do vô sản ngoại bào thần kinh. Do thiếu, teo hoặc mất chức năng của tuyến mồ hôi: gặp trong các bệnh lý như xơ cứng bì, bệnh Fabry.

Ngoài ra, có thể do suy yếu chức năng thần kinh tự động, gặp trong hội chứng và các bệnh như: hội chứng mất cảm giác đau kèm theo giảm tiết mồ hôi, hội chứng Ross (giảm tiết mồ hôi tiến triển kèm theo co đồng tử của Adie), chứng giảm tiết mồ hôi mà không có co đồng tử, hội chứng thiếu tự chủ (hạ huyết áp tư thế kết hợp giảm tiết mồ hôi), giảm mồ hôi tự phát mạn tính (bệnh thần kinh do đái tháo đường) và một số nguyên nhân khác như Guillain – Barre.

Giảm tiết mồ hôi khu trú: gặp trong các trường hợp tổn thương tuyến mồ hôi do nhiễm khuẩn, chấn thương, khối u, xơ cứng bì khu trú, sẹo, thâm nhiễm viêm, do cắt dây thần kinh như nhiễm sắc tố dầm dề, bạch biến, các nguyên nhân hỗn hợp như teo da nang lông (hội chứng Bazex), giảm sắc tố của Ito.

Theo cơ chế gây giảm tiết mồ hôi

– Do các bệnh lý thần kinh: nguyên nhân có thể là do khối u, nhồi máu hoặc các tổn thương khác ở vùng dưới đồi, cầu não hoặc tủy sống, hội chứng thoái hóa gồm suy chức năng tự động, teo ở nhiều hệ thống (Hội chứng Shy-Drager), hội chứng Ross, bệnh lý thần kinh tự động do tự miễn, bệnh mất cảm giác đau kèm giảm tiết mồ hôi bẩm sinh, bệnh lý thần kinh ngoại vi do: đái tháo đuờng, nghiện rượu, amyloid, phong.

Cơ chế gây không tiết mồ hôi và giảm tiết mồ hôi
Cơ chế gây không tiết mồ hôi và giảm tiết mồ hôi

– Do thuốc: các thuốc ức chế sự dẫn truyền thần kinh như thuốc đối kháng Re nicotinic acetylcholin, hexamethonium, mecamylamin, các thuốc đối kháng Re Muscarinic acetylcholine như atropin, scopolamin, thuốc chẹn kênh calci, thuốc chẹn alpha-adrenergic: phentolamin,… Hoặc các thuốc làm rối loạn hoặc phá hủy tuyến mồ hôi toàn vẹn aldehyd, muối nhôm (tại chỗ), 5 FU, quinacrin, zonisamid.

– Do bất thường tuyến mồ hôi: do biến đổi gen gây nên các tình trạng như loạn sản ngoại bì (loạn sản ngoại bì giảm tiết mồ hôi, loạn sản ngoại bì giảm tiết mồ hôi kèm theo suy giảm miễn dịch, hội chứng Rapp-Hodgkin, hội chứng Naegeli-Franceschetti-Jadassohn); nhiễm sắc tố dầm dề, hội chứng Bazex, bệnh Fabry, do sự phá hủy tuyến mồ hôi (khối u, bỏng, xạ trị, xơ cứng bì khu trú và hệ thống, hội chứng Sjogren’s, bệnh loại thải mảnh ghép, viêm da đầu chi teo mạn tính,…

Thể lâm sàng của chứng không tiết mồ hôi và giảm tiết mồ hôi

Dạng bẩm sinh

Do cầu não: giảm tiết mồ hôi ở mặt và cổ cùng bên.

Do tủy sống: giảm tiết mồ hôi ở cùng bên hoặc đôi bên phụ thuộc vào vị trí tổn thương.

Hội chứng Ross: thường kèm theo hội chứng Adie (co đồng tử và giảm phản xạ gân xương). Kèm theo giảm tiết mồ hôi khu trú (tăng bù).

Hội chứng mất cảm giác đau và giảm tiết mồ hôi bẩm sinh: hiếm gặp. Di truyền gen lặn NST thường do đột biến gen mã hóa tyrosine kinase receptor typ 1. Triệu chứng sốt tái phát, tự cụt (self-mutilation), chậm phát triển trí tuệ, xét nghiệm hóa mô miễn dịch (PGP9.5): không có các sợi thần kinh nhỏ ở trung bì, thiếu sự phân bố thần kinh ở các tuyến mồ hôi toàn vẹn.

Hội chứng Bazex: là bệnh di truyền gen trội liên kết với NST X. Triệu chứng: giảm tiết mồ hôi, ít tóc, nhiều tổn thương ung thế tế bào đáy, teo da và teo các nang lông

Giảm tiết mồ hôi tự phát: thường là giảm tiết mồ hôi toàn thân, không dung nạp với nóng, gắng sức nhiều mà không ra mồ hôi.

Dạng mắc phải

Do thuốc: thường gây giảm tiết mồ hôi khu trú.

Do một số nguyên nhân khác như các bệnh lý gây rối loạn dẫn truyền thần kinh như chấn thương tủy sống, u tủy, hay bệnh lý nhiễm khuẩn như phong…

Chẩn đoán chứng không tiết mồ hôi và giảm tiết mồ hôi

Lâm sàng: không thấy đổ mồ hôi tương ứng khi có các hoạt kích thích (hoạt động, thay đổi nhiệt độ môi trường…). Không dung nạp với nóng. Khai thác tiền sử kèm theo và các bệnh lý tương ứng.

Thực nghiệm:

+ Test kích thích nhiệt: đo màu hoặc trọng lượng.

+ Tiêm dưới da thuốc cholinergic để kích thích tiết mồ hôi

+ Test phản xạ tiết mồ hôi của sợi trục: Nicotin sulfat (0,001 me) khi nghi ngờ giảm tiết mồ hôi do thần kinh ngoại vi.

– Xét nghiệm: sinh thiết tổn thương, hóa mô miễn dịch, KHV điện tử

Mô học của chứng không tiết mồ hôi và giảm tiết mồ hôi (Anhidrosis and Hypohidrosis)
Mô học của chứng không tiết mồ hôi và giảm tiết mồ hôi (Anhidrosis and Hypohidrosis)

Điều trị chứng không tiết mồ hôi và giảm tiết mồ hôi

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để và đặc hiệu.

Điều trị cụ thể:

+ Loại bỏ các căn nguyên gây giảm tiết mồ hôi.

+ Ngừng sử dụng các thuốc gây nên tình trạng giảm tiết mồ hôi.

+ Cần sinh hoạt và làm việc trong môi trường mát, tránh sốt cao.

+ Trường hợp ống tuyến bị chít hẹp thì dùng các thuốc bong vảy như Salicylic,…

+ Do các bệnh tự miễn: dùng corticoid.

+ Can thiệp ngoại khoa: cấy ghép tuyến mồ hôi do tổn thương tuyến khu trú.

Tài liệu tham khảo

Bolognia. (2008). Hypohidrosis and Anhidrosis. Dermatology, 2008, 2nd ed.

Freedberg, et al. (2003). Disorders of the Eccrine Sweat Glands. Fitzpatrick’s Dermatology in General Medicine, 6th edition.

Low PA, et al. (1985). Chronic idiopathic anhidrosis. Ann Neurol, p 344-348.

Ross AT. (1985). Progressive selective sudomotor denervation: a case with coexisting Adie’s syndrome. Neurology, p 809-817.

William p, et al. (2003). Disorder of Sweating. Semin Neurol.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *