Bệnh Hạt cơm (mụn cóc) – Warts

Bệnh hạt cơm (mụn cóc) – (Warts) gây ra do virut HPV, đặc trưng bởi các sẩn, sùi ở da và niêm mạc. Bệnh có nguy cơ lây lan cho người khác nên cần phát hiện và điều trị sớm. Chẩn đoán bệnh dễ và các phương pháp điều trị cũng rất đa dạng.

Đại cương bệnh hạt cơm (mụn cóc)

Hạt cơm (warts) là tình trạng bệnh lý do sự tăng sinh lành tính của các tế bào biểu bì ở da và niêm mạc, do virus có tên Human Papilloma Virus (HPV) gây nên. Bệnh gặp ở mọi giới và mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, thường gặp nhất ở tuổi lao động đặc biệt là học sinh và sinh viên.

Ước tính khoảng 10% dân số mắc bệnh. Tỉ lệ mắc bệnh cao hơn ở những người suy giảm miễn dịch, đặc biệt là những bệnh nhân suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải.

Virus có mặt ở nhiều nơi trong môi trường sống, đặc biệt ở bể bơi, nhà tắm công cộng và phòng tập thể thao. Sự lây nhiễm HPV có thể là do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua da bị xây sát hoặc qua các vật dụng trung gian như giầy, dép hay các vật dụng.

Bệnh không gây chết người nhưng có thể gây đau, khó chịu làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh có thể tự khỏi sau một thời gian tiến triển. Điều trị hạt cơm còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có thuốc đặc hiệu. Nhiều biện pháp có thể áp dụng như bôi thuốc, phẫu thuật hay tâm lý liệu pháp. Việc áp dụng đơn thuần hay kết hợp các biện pháp trên cho kết quả điều trị khác nhau tuỳ từng nghiên cứu.

Căn nguyên gây bệnh hạt cơm (mụn cóc)

Cấu tạo

Human Papilloma Virus thuộc họ Papova virus, có cấu trúc hình cầu gồm một vỏ protein ngoài (capsid) khoảng 55nm đường kính bao quanh phân tử ADN chuỗi kép, đối xứng hình khối với 8000 cặp nucleotid.

Hai chuỗi phân tử DNA cuộn lại trong một vỏ protein bao gồm 2 phân tử L1 và L2. Bộ mã di truyền của HPV ngoài phần mã để tạo L1, L2 còn có phần mã hóa của 7 loại protein sớm từ E1 đến E7 cần thiết cho sự nhân đôi của DNA, sự hình thành những hạt thể virus mới trong những tế bào bị nhiễm virus và tham gia vào sự thích nghi về chức năng của các tế bào đối với nhu cầu của virus.

Papiloma virus gây ra bệnh ở lớp biểu bì của da ở người và rất nhiều loài động vật. Khi xâm nhập vào các tế bào biểu bì, virus có thể tồn tại lâu (2 đến 9 tháng) không có các triệu chứng lâm sàng. Cho đến nay, có khoảng trên 100 type đã được xác định và được chia thành 3 nhóm: type gây bệnh da như type 1, 2, 3, 4; type gây bệnh ở niêm mạc sinh dục như type 6, 11, 16, 18 và type gây loạn sản biểu bì dạng hạt cơm như type 5 và 8. Một số type virus có thể gây ung thư như type 16,18 được cho là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung.

Các type của HPV và những biểu hiện lâm sàng

Type virusThương tổn thường gặpThương tổn ít gặp
1Hạt cơm sâu lòng bàn chânHạt cơm thường
2, 4, 27, 29Hạt cơm thườngHạt cơm lòng bàn chân tay, dạng khảm, miệng và hậu môn sinh dục
3, 10, 28,49Hạt cơm phẳngHạt cơm phẳng trong loạn sản biểu bì dạng hạt cơm
5, 8, 9, 12, 14, 15, 17, 19, 24, 26, 36, 47, 50Hạt cơm dạng dát trong loạn sản biểu bì dạng hạt cơmNhững người suy giảm miễn dịch
6, 11Hạt cơm hậu môn, sinh dục, thanh quản, sùi mào gà cổ tử cungSẩn dạng Bowen, hạt cơm thường
7Hạt cơm ở người thợ mổ súc vật 
13, 32Quá sản biểu bì trong miệngHạt cơm hậu môn sinh dục
16, 18, 31, 33, 35, 39, 40, 51- 60Sẩn dạng Bowen, sùi mào gà cổ tử cung 

Hạt cơm có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào của cơ thể, hay gặp nhất là ở bàn tay, bàn chân. Tiến triển của bệnh có thể khỏi tự nhiên từ 20-25% trường hợp. Những trường hợp hạt cơm rải rác, mạn tính hay tái phát có liên quan đến tình trạng suy giảm miễn dịch.

Triệu chứng lâm sàng bệnh hạt cơm (mụn cóc)

Tùy theo type virus bị nhiễm, vị trí và sự đáp ứng của vật chủ đối với nhiễm virus mà biểu hiện lâm sàng với các hình thái khác nhau.

Hạt cơm thông thường (Common warts)

Xuất hiện khi tìm kiếm trên google "hạt cơm" "mụn cóc"
Hạt cơm thông thường

Hạt cơm thông thường chiếm tỷ lệ cao nhất từ 58 -70% trong tổng số bệnh hạt cơm. Ban đầu thường là những sẩn nhỏ bằng hạt kê, màu da. Sau vài tuần hoặc vài tháng, các thương tổn lớn dần, nổi cao, có hình bán cầu, bề mặt sần sùi thô ráp, dày sừng với nhiều kích thước khác nhau. Các thương tổn rải rác hoặc thành dải, đám hay gặp ở mu bàn tay, mu bàn chân, ngón tay, ngón chân, quanh móng, da đầu.

Hạt cơm bàn tay, bàn chân (palmo-plantar warts)

Hạt cơm ở bàn tay, bàn chân thường đa dạng. Điển hình là các sẩn, kích thước từ 2-10 mm, bề mặt xù xì làm mất những đường vân trên bề mặt. Tổn thương sắp xếp riêng rẽ hoặc tập trung thành đám ở những vùng tỳ đè, quanh móng được gọi là hạt cơm thể khảm. Đôi khi biểu hiện của hạt cơm chỉ là sẩn nhẵn, bằng phẳng với mặt da, màu vàng đục hoặc màu da. Đôi khi sẩn xù xì có gai nhỏ và lõm ở giữa.

tổn thương cơ bản của bệnh hạt cơm
Hạt cơm bàn tay, bàn chân

Khi dùng dao mổ cắt bỏ hết phần dày sừng thấy bên dưới là một mô màu trắng trên có các chấm đen. Biểu hiện đó là do hiện tượng tắc các mạch máu nhỏ ở lòng bàn chân tạo nên. Đây là dấu hiệu có giá trị giúp chẩn đoán phân biệt giữa hạt cơm với những bệnh khác khu trú ở lòng bàn chân như chai chân hay dày sừng bàn tay bàn chân khu trú.

Bệnh nhân có thể có triệu chứng đau khi ấn nhất là khi đi lại. Nhiều trường hợp bệnh nhân rất đau và không thể đi lại được.

Hạt cơm phẳng (verruca plana)

Hạt cơm phẳng chiếm 24-34% tổng số hạt cơm, thường gặp ở tuổi đang đi học.

tổn thương hạt cơm phẳng ở mặt
Hạt cơm phẳng ở mặt

Thương tổn là những sẩn hơi nổi cao trên mặt da, bề mặt thô ráp, kích thước nhỏ từ 1 đến 5 mm, hình tròn hay hình đa giác, màu da hay thẫm màu, ranh giới rõ, đứng riêng rẽ hay thành đám, đôi khi thành dải (dấu hiệu Koebner).Về số lượng đôi khi chỉ có một vài thương tổn nhưng có những trường hợp lan tỏa có tới vài trăm thương tổn.

Vị trí hay gặp ở vùng da hở nhất là ở mặt, cánh tay và thân mình, đôi khi có ngứa làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ, lao động và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Thể lâm sàngVị tríTính chấtSố lượng
Hạt cơm thông thườngĐiển hình ở bàn tay, khuỷu tay, đầu gối, nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ vùng da nàoSẩn chắc, xù xì, nổi cao trên mặt da.Một hoặc nhiều thương tổn
Hạt cơm phẳngThường xảy ra ở tay, mặt và chân. Hay gặp trẻ nhỏNhững sẩn phẳng, ban đầu đổi màu da nâu nhạt hoặc nhiễm sắc tốMột đến hàng trăm thương tổn, có khi thành một khối
Hạt cơm lòng bàn chânXuất hiện ở lòng bàn chân, gót chân và ngón chân.Tổn thương chai cứng ranh giới rõ với vùng da dày mềm xung quanh. Nếu cắt qua bề mặt sẽ có chấm đen (tắc mạch)Một hoặc nhiều, thường dưới 20 thương tổn. Kích thước từ 1mm-1cm.
Hạt cơm khảmBàn tay hoặc bàn chânXảy ra khi hạt cơm ở lòng bàn tay hoặc bàn chân kết lại thành mảngThường một hoặc một vài vùng, nhưng thường nằm gần hạt cơm lòng bàn chân đơn lẻ
Tóm tắt đặc điểm, tính chất, vị trí một số hình thái hạt cơm

Hạt cơm ở niêm mạc (Mucosal warts)

Hạt cơm vùng hậu môn sinh dục (sùi mào gà; ano-genital warts, condyloma acuminata)

Được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục do các HPV có ái tính với tể bào sừng vùng sinh dục hậu môn, trong đó 90% do HPV type 6, 11.

Xuất hiện khi tìm kiếm trên google "hạt cơm" "mụn cóc" "sùi mào gà"
Hạt cơm vùng hậu môn

Bệnh lây nhiễm do quan hệ tình dục không an toàn với người mắc bệnh. Ở Mỹ, ước tính khoảng 1% số người ở độ tuổi hoạt động tình dục bị nhiễm HPV và có khoảng 1,3 triệu bệnh nhân mới/năm theo một báo cáo, 10,6% phụ nữ Bắc Âu tuổi từ 18 đến 45 mắc sùi mào gà. Ở Việt Nam, việc xác định tỉ lệ bệnh trong cộng đồng rất khó khăn vì nhiều bệnh nhân tự chữa bệnh hoặc đến các phòng mạch tư nhân để điều trị mà không đăng ký.

Biểu hiện trên lâm sàng là các sẩn màu hồng nhạt hay màu trắng, mềm, đôi khi có cuống, xoè rộng ra giống mào con gà, hay giống súp lơ, không đau, không ngứa, không thâm nhiễm, tập trung thành đám.

tổn thương bệnh sùi mào gà
Bệnh sùi mào gà

Ngoài tổn thương ở vùng bán niêm mạc, nhiều trường hợp bệnh nhân có các tổn thương ở âm đạo, cổ tử cung, niệu đạo và trực tràng.

Sùi mào gà khổng lồ là tổn thương sùi mào gà có kích thước lớn đôi khi chiếm cả vùng hậu môn sinh dục, mùi hôi do bội nhiễm hoặc hoại tử tổ chức. Nguyên nhân thường do virus HPV type 11,16 gây nên. Việc điều trị cần can thiệp bằng ngoại khoa phẫu thuật cắt bỏ thương tổn. Cần lưu ý phải khám phát hiện hạch và làm xét nghiệm mô bệnh học để phát hiện và điều trị kịp thời tình trạng ung thư hoá.

Môi trường ẩm ướt, điều kiện vệ sinh kém là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển nhanh và dễ tái phát.

Sẩn dạng Bowen

Cũng là một trong những hình thái thường gặp do HPV type 16 gây nên ở vùng hậu môn sinh dục. Tổn thương cơ bản là các sẩn nhỏ từ 2-3 mm, nổi cao trên mặt da, màu nâu. Hình ảnh mô bệnh học có những tế bào không điển hình như trong bệnh Bowen hay ung thư tế bào gai tại chỗ (SCC in situ).

Tổn thương ở niêm mạc miệng, họng

Sùi mào gà trong miệng

Thường hay gặp ở trẻ sơ sinh, bị lây nhiễm từ người mẹ bị mắc bệnh trong quá trình chuyển dạ, hoặc ở những người có quan hệ tình dục miệng – sinh dục. Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng và xết nghiệm PCR xác định sự hiện diện của virus. Nhìn chung, hạt cơm ở niêm mạc miệng, họng và đường hô hấp trên cần được điều trị sớm, giám sát thường xuyên để phòng tránh tái phát.

Mô bệnh học bệnh hạt cơm (mụn cóc)

– Hình ảnh mô bệnh học chung cho tất cả các thể hạt cơm bao gồm tăng sừng (hyperkeratosis), tăng gai (acanthosis) và u nhú (papillomatosis). Trong nhân và đôi khi cả bào tương của tế bào có những thể ưa eosine.

– Lớp gai của biểu bì dày lên và hình thành những nhú bì. Những mào nhú thường kéo dài hướng về phía trung tâm của hạt cơm. Mao mạch bị giãn rộng và có hiện tượng tắc mạch.

– Những tế bào sừng giãn rộng, nhân được bao quanh bởi một quầng sáng gọi là những tế bào bóng hay tế bào rồng (koilocyte), đặc trưng cho sự hiện diện của nhiễm Papilloma virus.

Chẩn đoán bệnh hạt cơm (mụn cóc)

Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán xác định bệnh hạt cơm chủ yếu dựa vào:

– Triệu chứng lâm sàng với hai triệu chứng chính: tổn thương các sẩn chắc, bề mặt sần sùi thô giáp.

– Mô bệnh học: dày sừng, dày lớp gai, giãn các mạch máu, rải rác có hiện tượng tắc mạch.

– Xét nghiệm PCR để xác định type HPV gây bệnh. Đây là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao (98-100%). Tuy nhiên, phương pháp này còn giới hạn trong phòng xét nghiệm, chưa phải cơ sở điều trị nào cũng có điều kiện để làm xét nghiệm này.

Chẩn đoán phân biệt

Nhìn chung việc chẩn đoán hạt cơm thường dễ dàng. Tuy nhiên, một số trường hợp không điển hình có thể nhầm với một số bệnh da khác.

Hạt cơm thông thường cần phân biệt với: dày sừng da dầu, dày sừng ánh nắng, ung thư tế bào gai.

Hạt cơm phẳng cần phân biệt với các sẩn trong bệnh lichen phẳng.

Một số trường hợp sùi mào gà rất dễ nhầm với các sẩn sinh lý ở vùng sinh dục ở cả nam và nữ.

Điều trị bệnh hạt cơm (mụn cóc)

Hạt cơm tiến triển từ một vài tháng đến một vài năm. Nếu không được điều trị hạt cơm cũng có thể tự khỏi. Khoảng 2/3 số hạt cơm xuất hiện và tự mất đi sau 2 năm. Tình trạng tự khỏi bệnh xảy ra ngay cả những trường hợp có nhiều tổn thương lan tỏa. Nhiều phương pháp được áp dụng để điều trị bệnh hạt cơm như dùng các hóa chất hoặc thủ thuật để loại bỏ tổn thương. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có biện pháp điều trị nào đặc hiệu. Việc sử dụng một hay kết hợp nhiều biện pháp điều trị tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh cụ thể.

Điều trị nội khoa

Các thuốc bôi tại chỗ bệnh hạt cơm (mụn cóc)

Mỡ Salicylc

Mỡ salicyle với thành phần chủ yếu là acid salicylic được pha trong vaselin với nồng độ khác nhau từ 10% đến 40%, có tác dụng bạt sừng mạnh, loại bỏ các tế bào chứa virus. Tùy từng loại thương tổn và tùy theo vị trí mà có thể sử dụng thuốc với nồng độ khác nhau từ 10% đến 40%. Băng bịt làm thuốc có thể ngấm sâu vào thương tổn có tác dụng điều trị tốt hơn. Phương pháp điều trị này không gây đau nhưng thời gian điều trị lâu. Một số biệt dược có chứa acid salicylic như: Collodion salicyle, Verufilm, Kerafilm, Verrucosal.

Duofilm

Là dung dịch keo gồm có acid lactic 16,7% và acid salicylic 16,7%, có tác dụng sát khuẩn và làm tan rã các tế bào lớp sừng, trong đó có các tế bào chứa virus. Trước khi bôi thuốc nên rửa vùng thương tổn bằng xà phòng, ngâm tay hoặc chân vào nước ấm khoảng 10 phút, sau đó dùng 1 hòn đá kỳ ráp kỳ nhẹ lên bề mặt thương tổn làm mỏng lớp sừng, rửa lại cho sạch rồi để khô và chấm duofilm lên bề mặt thương tổn, một ngày chấm một lần cho đến khi khỏi, cần lưu ý cần bôi đúng thương tổn.

Theo nghiên cứu tại Bệnh viện Da liễu Trung ương về tác dụng điều trị hạt cơm của Duofilm cho thấy 51,9% các trường hợp cho kết quả tốt, và thời gian điều trị trung bình là 40 ngày. Tuy nhiên, thuốc có thể gây kích ứng tại chỗ, có cảm giác rát bỏng khi bôi thuốc.

Collomack

Chứa acid lactic 0,5g, acid salicylic 2g và Polidocanol 0,2g, có tác dụng bạt sừng mạnh do vậy được chỉ định điều trị các hạt cơm sâu, có kích thước lớn ở bàn tay bàn chân. Chống chỉ định đối với các hạt cơm ở vùng mặt.

Cantharidin 0,7%

Được chiết xuất từ loài bọ cánh cứng. Sau khi bôi thuốc 12 đến 24 giờ, bọng nước xuất hiện tại nơi bôi thuốc, sau một vài ngày bọng nước vỡ, khô đóng vảy. Thuốc có tác dụng tốt đối với hạt cơm thể thông thường.

Acid trichloracetic 33%

Thuốc có tác dụng đông vón protein và gây hoại tử tế bào sừng. Nhược điểm của phương pháp này là có thể gây đau nhiều và gây loét do bôi thuốc quá nhiều.

Podophyllotoxin

Là thuốc chống phân bào được bào chế dưới dạng dung dịch keo với nồng độ 0,5%. Chấm thuốc ngày hai lần, trong thời gian ba ngày sau đó ngừng bốn ngày nếu còn thương tổn lại tiếp tục điều trị với liệu trình như trên, tối đa có thể điều trị trong thời gian 5 tuần, cần lưu ý bôi đúng thương tổn và phải rửa tay sau khi dùng thuốc vì thuốc có thể gây kích ứng ở da và niêm mạc. Cần thận trọng sử dụng thuốc đối với phụ nữ có thai vì có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Nitrat bạc 10%

Có tác dụng bạt sừng. Yazar s, Basaran E nghiên cứu điều trị hạt cơm thông thường bằng nitơrat bạc cho 35 bệnh nhân, 43 % bệnh nhân khỏi hoàn toàn, 26% bệnh nhân khỏi một phần và 31% bệnh nhân không khỏi.

5-amino levulinic acid

Là một chất nhạy cảm với ánh sáng. Bôi thuốc lên thương tổn sau đó chiếu tia cực tím (UV) có tác dụng diệt các tế bào chứa virus. Do vậy, đây còn được gọi là phương pháp quang hóa trị liệu (photodynamic – therapy).

Imiquimod

Là chất kích thích miễn dịch. Cream imiquimod 5% (Aldara) bôi ngày hai lần trong thời gian 6 đến 12 tuần.

5-Fluouracil cream

có tác dụng ức chế sự nhân lên của các tế bào được bào chế dưới dạng kem bôi 1-2 lần/ngày trong thời gian 3 đến 4 tuần.

Tretinoin cream 0,05%-0,l%

Có tác dụng bạt lớp sừng, thường được dùng để điều trị hạt cơm phẳng nhất là trẻ em.

Sulfat kẽm

Được sử dụng dưới dạng dung dịch bôi tại chỗ, ngày bôi 1 – 2 lần. Phần từ kẽm gắn lên các phân tử glycoprotein trên bề mặt virus làm ngăn cản sự thâm nhập của virus vào tế bào. Thuốc ít gây kích ứng và cho kết quả tốt đối với những trường hợp nhiều thương tổn.

Các thuốc tiêm trong thương tổn bệnh hạt cơm (mụn cóc)

– Bleomycin là một glycopeptide có tác dụng gây độc tế bào. Tiêm dung dịch 0,5% vào trong thương tổn có hiệu quả trong trường hợp thương tổn có kích thước lớn, tái phát và không đáp ứng điều trị khi sử dụng các phương pháp khác.

– Interferon alpha-2a (Roferon-A, Laroferon): thuốc có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus trong tế bào đồng thời kích thích hoạt động của các đại thực bào. Thuốc được sử dụng tiêm trong thương tổn, tuy nhiên dễ bị tái phát khi ngừng thuốc.

Các thuốc toàn thân

Retinoid

Isotretinoin (Accutane) và Etretinate (Tygason) có tác dụng điều trị trong một số trường hợp bệnh nhân bị hạt cơm lan tỏa toàn thân, đặc biệt ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, phương pháp này còn rất ít được áp dụng và chưa có nghiên cứu nào về tác dụng của các thuốc này trong điều trị bệnh hạt cơm cũng như tác dụng không mong muốn của các loại thuốc này.

Cimetidin

Thuộc nhóm kháng histamin H2, ngoài tác dụng giảm bài tiết dịch dạ dày, thuốc còn có tác dụng kích thích miễn dịch, tăng khả năng đại thực bào và diệt virus. Uống với liều 20-40mg/kg/24 ngày, cho kết quả tốt đối với trường hợp hạt cơm tái phát nhiều lần hoặc có nhiều thương tổn.

Levamisole

Thuốc có tác dụng kích thích miễn dịch, thường được dùng kết hợp với các thuốc bôi khác. Một tuần uống hai lần với liều 1mg/kg/lần, trong thời gian 3-6 tháng.       .

Sulfat kẽm

Liều lượng được sử dụng là l0mg/kg/ngày. Thuốc ít gây độc nên liều tối đa có thể tới 600 mg/ngày và cho kết quả tốt với những trường hợp nhiều thương tổn. Một nghiên cứu cho thấy tỉ lệ khỏi hoàn toàn là 86,9% sau 2 tháng điều trị. Tuy nhiên, sử dụng thuốc liều cao, có thể gây một số tác dụng phụ như buồn nôn, đau đầu.

Verrrulyse – Methionin

Thành phần của thuốc gồm magne, calci, methionin, sắt và mangan. Thuốc được chỉ định cho tất cả các loại hạt cơm. Liều lượng người lớn từ 2 đến 4 viên/ngày.

Điều trị bằng thủ thuật

Phẫu thuật lạnh

Sử dụng nitơ lạnh ở nhiệt độ -196°c gây bỏng lạnh làm bong thương tổn. Đây là phương pháp thường được sử dụng nhiều nhất tại các phòng khám da liễu vì dễ thực hiện, hiệu quả điều trị cao và ít tốn kém.

Đối với những hạt cơm dày sừng nhiều trước khi chấm nitơ lỏng, cần dùng dao gọt đỡ phần dày sừng. Sau khi điều trị 12 đến 24 giờ, tại thương tổn có thể xuất hiện bọng nước. Bệnh nhân cần sát khuẩn để tránh nhiễm khuẩn. Trường hợp bọng nước to có thể chích tháo nước.

Thương tổn khô, đóng vảy và bong vảy sau 7 đến 10 ngày điều trị. Trường hợp thương tổn vẫn còn, có thể tiếp tục điều trị sau hai tuần. Nhược điểm của phương pháp này là gây đau, nhất là ở chân và tay, do vậy đôi khi rất khó áp dụng để điều trị cho trẻ em.

Phẫu thuật bằng laser

Loại laser thường được sử dụng nhất là laser CO2 có bước sóng 1060 nm. Khi chiếu chùm tia, nước ở tế bào nhanh chóng hấp thu năng lượng và chuyển sang trạng thái hơi làm phá vỡ tế bào và làm bốc bay toàn bộ tổ chức u.

Phương pháp có ưu điểm làm sạch nhanh thương tổn. Tuy nhiên, vết thương thường lâu lành ảnh hưởng đến ngày công lao động của người bệnh. Hơn nữa, giá thành điều trị cao, máy móc đắt tiền nên phương pháp này thường được áp dụng ở các cơ sở y tế chuyên sâu. Đối với hạt cơm phẳng ở mặt cần thận trọng chỉ định điều trị bằng laser CO2 vì dễ để lại sẹo hay hiện tượng tăng sắc tố sau điều trị.

Laser màu có bước sóng 585 nm cũng có thể được áp dụng để điều trị hạt cơm. Loại laser này có tác dụng phá hủy các mạch máu làm giảm nguồn nuôi dưỡng các tế bào chứa virus từ đó có tác dụng điều trị bệnh. Tuy nhiên, loại laser này ít được sử dụng để điều trị hạt cơm vì đắt tiền.

Phẫu thuật cắt bỏ thương tổn

Phương pháp này rất hay tái phát và đặc biệt rất khó điều trị đối với những bệnh nhân có nhiều thương tổn.

Các phương pháp điều trị khác

– Liệu pháp dùng băng dính: dán băng dính lên vùng da có hạt cơm, cứ hai đến ba ngày thay băng một lần có tác dụng làm cho thương tổn mỏng dần và khỏi.

– Tâm lý liệu pháp: trên thực tế cho thấy nhiều trường hợp bệnh nhân bị hạt cơm, sau một thời gian các tổn thương tự khỏi. Trong dân gian lưu truyền nhiều cách chữa như xát lá tía tô hoặc dùng tỏi cắt lát mỏng bôi lên thương tổn. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh trong lá tía tô hay hành, tỏi có các loại kháng sinh, đặc biệt là các kháng sinh kháng virus có tác dụng điều trị bệnh.

– Vaccin phòng virus: phương pháp này có tác dụng phòng ngừa sự tái nhiễm HPV. Tuy nhiên, tiêm vaccin chủ yếu được áp dụng đối với HPV sinh dục, nhất là đối với các type virus có nguy cơ cao gây gây ung thư cổ tử cung.

Phòng bệnh hạt cơm (mụn cóc)

Hạt cơm là một bệnh da thường gặp, do HPV gây nên. Để phòng bệnh hiệu quả cần thực hiện một số biện pháp sau:

– Sát khuẩn làm vệ sinh thường xuyên các địa điểm cộng cộng như bể bơi, nhà tắm công cộng, phòng tập thể thao…

– Cần có bảo hộ lao động đối với một số nghề nghiệp có nguy cơ mắc bệnh cao như thợ giết mổ gia súc, trồng hoa..

– Điều trị loại bỏ các tổn thương nếu có thể nhằm loại bỏ nguồn lây nhiễm.

Tài liệu tham khảo

1. Barnhill R.L., Klaus J. Busan K.J., Crowson AN. (1998), “Human Papillomavirus infection”, Texbook of Dermatopathology, pp. 449-452.

2. CarolincAJ, GaelleAV, VirginieM. (2010), “Mechanisms of cell entry by human papillomaviruses” Journal of Virology’’, 7:11.

3. Đặng Vãn Em (2005), “Kết quả bước đầu điều trị hạt cơm lòng bàn chân thể sâu bằng laser CO2 kết hợp băng ép tinh thể thuốc tím (KMnO4) tại Khoa Da liễu – BVTWQD108”, Tạp chí Y Dược học Quân sự, Học viện Quân Y, Hả Nội, 33(6), tr. 114- 118.

4. Fitzptrick T.B., Johnson R.A; Woff K et al. (2005), “Human Papillomavirus: cutaneous infections”, Color atlats and Synopsis of clinical dermatology, Third Edition, pp. 676-681.

5. Gibbs S-, Harvey I., Sterling JC., Stark R. (2001), “Local treatments for cutaneous warts”. Cochrane Database Syst Rev (2) BMJ. 2002 August 31; 325(7362): 461

6. Killeney M., Marks R. (1996), “The descriptive epidemiology of warts in the community”, Australasian Journal of Dermatology’, 37,pp. 80-86.

7. Kubeyinje E.p. (1996), “Evalution of the effecacy and safety of 0,05% tretinoin cream in the treatment of plat warts in Arab children”, J Dermatol treat, 7, pp. 21-22.

8. Michelle M. Lipke, MPa, PA.C. (2006), “An Armamentarium of Warts Treatments”, Clinical Medicine & Research, Volume 4, Number 4, pp. 273-293.

9. Munn S.E., Marshall M., Clement M. (1995), “A new method of intralesional bleomycin therapy in treatment of recalcitrant warts”, Br J Dermatol, 133, pp. 415.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *